Header Ads

Albert Camus (1913 - 1960) Văn Hào Pháp lãnh Giải Thưởng Nobel Văn Chương Năm 1957 và Tác Phẩm "Người Xa Lạ"


Phạm Văn Tuấn

1/ Cuộc đời của Văn Hào Albert Camus.

Albert Camus (07/11/1913 – 04/ 01/1960) là nhà văn viết tiểu thuyết, các bài bình luận và viết kịch, và cũng là nhà triết học người Pháp, một nhân vật danh tiếng trong trường phái Phi Lý (Absurdism). Albert Camus đã nhận được Giải Thưởng Nobel Văn Chương vào năm 1957, là người trẻ tuổi thứ hai đã từng lãnh Giải Thưởng danh dự này, nhưng ông qua đời năm 46 tuổi trong một tai nạn xe hơi. Hai tác phẩm nổi tiếng nhất của Albert Camus là cuốn "Người Xa Lạ" (The Stranger, 1942) và cuốn "Bệnh Dịch" (The Plague, 1947).

Albert Camus chào đời vào ngày 7 tháng 11 năm 1913 trong làng Modovi, một nơi thuộc Constantinois gần Bône, nước Algeria. Cha của Albert là ông Lucien August Camus, một công nhân làm rượu, đã bị động viên, phục vụ trong trung đoàn bộ binh Zouave và bị thương trong Trận Marne năm 1914  vào thời kỳ đầu của Thế Chiến Thứ Nhất rồi qua đời tại nhà thương Saint Brieuc lúc 28 tuổi. Cậu bé Albert khi đó mới một tuổi đời, được nuôi dưỡng cùng với người anh trai do bà mẹ Catherine Hélène Sintès, gốc người Tây Ban Nha. Bà mẹ này rất thương con nhưng bị điếc nặng và ít học, vì vậy gần như hai mẹ con hiếm khi tâm sự với nhau. 

Sau khi người cha qua đời, bà Catherine mang hai con về miền ngoại ô Belcourt của thành phố Algiers, cư ngụ trong một căn hộ chung với người mẹ ruột và các em. Đây là một khu kỹ nghệ với các tòa nhà nhiều tầng, chứa nhiều căn hộ chật chội, đông người. Các thiếu niên trong các tòa nhà này trong đó có Albert thường xuyên lang thang trên đường phố, la cà tại các rạp hát. Khung cảnh sinh hoạt đường phố này đã được nhân vật Meursault mô tả trong cuốn truyện “Người Xa Lạ” (L' Étranger - The Stranger) sau này.

Belcourt cũng là một khu phố gồm nhiều sắc dân: Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Ả Rập. Cậu thiếu niên Albert đã trải qua nhiều buổi sáng đá bóng hay bơi lội hoặc nằm phơi nắng trên bờ biển. Albert Camus đã từng viết: “Tại châu Phi, ánh nắng và tắm biển thì không tốn tiền”. Khung cảnh thiên nhiên rực rỡ này trái ngược với miền đất sỏi đá của địa phương, chỉ mang lại cho con người cuộc sống nghèo khó và tác giả Camus đã sớm cảm thấy điều phi lý của đời người, với con người vừa yếu đuối, vừa cô độc, sinh tồn trong sự phi lý vì cõi chết sập đến bất cứ lúc nào. "Mẹ đã chết ngày hôm nay. Hay là, có lẽ ngày hôm qua, tôi không biết nữa. Tôi đã nhận được một điện tín từ gia đình: "Mẹ đã qua đời. Đám táng ngày mai. Thân mến". Sự việc này không mang theo một ý nghĩa gì cả. Sự việc này đã có thể xẩy ra vào ngày hôm qua" (từ tác phẩm Người Xa Lạ).

Nhờ một giáo viên tiểu học tận tâm, cậu Albert trở thành một học sinh xuất sắc, nhận được một học bổng, lên trung học tại Algiers là thủ đô của nước Algeria. Sau đó, vào thời kỳ đang theo môn Triết Học tại trường đại học Algiers, Albert mắc phải bệnh lao phổi vào năm 1930, phải nằm điều trị. Hoàn cảnh bệnh nặng và kinh nghiệm sống còn trước tử thần đã trở nên một nỗi ám ảnh đối với Albert Camus, để sau này cảnh chết chóc thể hiện trong nhiều cốt truyện. Sau khi hồi phục, Albert Camus đi xin việc, đầu tiên làm thư ký cho sở Khí Tượng. Công việc buồn tẻ mỗi ngày, mỗi tuần, đã trở thành các ấn tượng nhàm chán, sâu xa.

Vào năm 1934, Albert Camus đã tham gia Đảng Cộng Sản Pháp và có lẽ, ông quan tâm tới các tác phẩm của Marx và Engels, tới hoàn cảnh chính trị của nước Tây Ban Nha vào giai đoạn bấy giờ, hơn là ủng hộ chủ nghĩa Mác Xít – Lênin-nít. Các nhà văn quan trọng cùng thời cũng theo khuynh hướng này gồm có André Malraux và André Gide. Qua năm 1936, ông hoạt động cho Đảng Nhân Dân Algerie (le Parti du Peuple Algérien), sự việc này đã khiến cho các đảng viên Cộng Sản khác bất bình với ông và vì vậy, Albert Camus bị lên án là một kẻ Trốt-kít (Trotskyite), đây là những người không theo chủ nghĩa Cộng Sản Stalin-nít.

Albert Camus tốt nghiệp văn bằng Cử Nhân Triết Học (licence de philosophie) vào năm 1935 rồi vào tháng 5 năm 1936, đã trình luận án Cao Học (diplôme d'etudes supérieures) với đề tài "Trường Phái Tân Platon và Tư Tưởng Thiên Chúa Giáo" (Néo-Platonisme et Pensée Chrétienne).

Vào năm 1936, Albert Camus kết hôn với cô Simone Hié, một người nghiện thuốc phiện, nhưng hai năm sau, họ đã ly dị nhau bởi vì cả hai đều thiếu thủy chung. Trong thời gian này, ông Camus thành lập một nhóm kịch nghệ, tên là "Đoàn Hát của Công Nhân" (Théatre du Travail – Worker's Theatre), ông lo phần diễn xuất và điều khiển các buổi tập dượt. Đoàn hát này vào năm 1937 đổi tên thành "Đoàn Hát của Nhóm" (Théatre de l'Équipe – Team's Theatre), tồn tại tới năm 1939.

Năm 1937, Albert Camus cho xuất bản tác phẩm khảo luận đầu tiên “Mặt Trái và Mặt Phải” (L’envers et l’endroit – Betwixt and Between) trong đó gồm các hồi tưởng thời thơ ấu tại Belcourt và tác giả đã pha trộn sự khôi hài với đặc tính trữ tình (lyricism), mô tả nỗi bất lực và cô đơn của con người trước cảnh chết, một tai nạn mang tính hư vô. Ông đã đề tặng cuốn sách này cho vị giáo sư Triết học cũ là ông Jean Grenier. Nhà triết học Brice Parain đã coi cuốn này tuy nhỏ nhưng là tác phẩm hạng nhất của Albert Camus, dù cho chính tác giả đã nhận rằng hình thức viết còn vụng về.

Giữa các năm 1937 và 1939, Albert Camus đã viết nhiều bài điểm sách và khảo luận cho tờ báo khuynh tả “Người Cộng Hòa Algier” (Alger-Republicain) rồi làm chủ bút cho tờ "Người Cộng Hòa – Buổi Chiều" (Soir-Republicain) trong một thời gian ngắn. Vào lúc này, Albert Camus đã mô tả hoàn cảnh kinh tế nghèo khó của người Ả Rập, chỉ trích gay gắt chính phủ Pháp vì các chính sách tại xứ Algiers, đòi quyền bình đẳng cho các người Ả Rập ngang với người Âu, rồi sau khi tờ báo bị đóng cửa, bởi vì không tìm ra việc làm, Albert Camus phải rời xứ Algeria qua sống tại thành phố Paris. 

Ông Camus làm công trong một thời gian ngắn cho tờ báo "Paris - Buổi Chiều" (Paris-Soir) nhưng nghề viết báo này bị chấm dứt khi quân đội Đức tràn sang xâm chiếm nước Pháp. Tới lúc này, ông đành phải quay lại vùng Bắc Phi, dạy học tại một trường tư thục thuộc tỉnh Oran và lập gia đình lần thứ hai với cô Francine Faure, một nhà dương cầm kiêm toán học. Mặc dù yêu thương cô Francine và đã có hai con sinh đôi là Catherine và Jean Camus vào tháng 9 năm 1945, Albert Camus vẫn coi hôn nhân là không tự nhiên và thường nói đùa với các bạn bè là ông là người không thích hợp với hôn nhân. Bà Francine đã phải chịu đựng cảnh thiếu thủy chung của chồng, nhất là sự tai tiếng với cô diễn viên Maria Casares, người Tây Ban Nha.

Vào thời kỳ đầu của Thế Chiến Thứ Hai, Albert Camus là một người chủ trương hòa bình (a pacifist) nhưng vào ngày 15/12/1941, ông đã chứng kiến cảnh hành quyết Gabriel Peri, sự việc này khiến ông chống lại quân Đức.

Albert Camus tiếp tục viết và cho xuất bản vào năm 1942 cuốn “Người Xa Lạ” (L' Étranger - The Stranger) và “Huyền Thoại của Sisyphus” (Le Mythe de Sisyphe - The Myth of Sisyphus). Đây là một nhân vật huyền thoại Hy Lạp, bị các thần linh kết tội phải đời đời đẩy một tảng đá lớn lên đỉnh một ngọn đồi, coi tảng đá này lăn xuống rồi lại đẩy nó lên tiếp theo. Việc làm "vô nghĩa" này có giống như cuộc đời "phi lý" của con người hay không, và tác giả Camus không tin tưởng rằng "tôn giáo" có thể giải đáp được vấn đề, trong khi "tự sát" không thể là một giải pháp.

Từ 1942, Albert Camus trở thành một nhà văn ở tầm mức quốc tế và nhân vật Meursault trong cuốn “Người Xa Lạ” là một điển hình văn chương, một nhân vật phản diện (an anti-hero) không tin tưởng vào Thượng Đế (God) nhưng lại không thể nói dối. Cũng vào năm này, Albert Camus trở về nước Pháp, tham gia vào phong trào kháng chiến chống quân Đức Quốc Xã, viết bài cho tờ báo “Chiến Đấu” (Combat).

Năm 1944, thành phố Paris được giải phóng. Albert Camus tiếp tục làm chủ bút cho tờ “Chiến Đấu” với các bài khảo luận về thời kỳ chiến tranh và trình bày hai vở kịch “Hiểu Sai” (Le Malentendu - The Misunderstanding) và “Caligula”, vở kịch sau này được rất nhiều người tán thưởng. 

Albert Camus và Jean Paul Sartre
Sau khi Thế Chiến chấm dứt, Albert Camus là một thành viên của nhóm các nhà văn do Jean Paul Sartre đứng đầu, họ thường hay lui tới quán cà phê Flore (Café de Flore) trên đại lộ St. Germain của thành phố Paris. Về chính trị, Albert Camus là một người khuynh tả nhưng vì ông chỉ trích mạnh mẽ chế độ Cộng Sản nên đã không có bạn bè trong số các đảng viên và về sau, bất hòa với Jean Paul Sartre.

Albert Camus du lịch qua Hoa Kỳ năm 1945, đã diễn thuyết về chủ thuyết Hiện Sinh của trường phái Pháp (French Existentialism) tại nhiều nơi, rồi vào tháng 6 năm 1947, cuốn truyện “Bệnh Dịch” (La Peste – The Plague) xuất hiện, đã trở nên một tác phẩm văn chương quan trọng. Sau chuyến đi vòng quanh Nam Mỹ, Albert Camus trở về nước Pháp năm 1949, bị mắc bệnh và hoàn toàn sống ẩn dật nhưng thỉnh thoảng ông cũng viết vài bài khảo luận chính trị. 

Albert Camus phục hồi sức khỏe vào năm 1951, cho xuất bản cuốn “Người Nổi Loạn” (L’homme Révolté - The Rebel), đây là cuốn sách phân tích theo triết học sự nổi loạn và cách mạng, khám phá các lý thuyết và các hình thức của cách nổi loạn của con người chống lại nhà cầm quyền (authority), đã gây tranh luận và bị J. P. Sartre chỉ trích trong cuốn Thời Đại Mới (Temps Modernes). Sự tranh cãi đã khiến cho Albert Camus cắt đứt liên lạc với nhà văn kiêm triết gia Jean Paul Sartre và chứng tỏ rằng Albert Camus bác bỏ chủ nghĩa Cộng Sản.

Sau tác phẩm kể trên, Albert Camus bắt tay vào công việc dịch thuật các vở kịch quốc tế: La Devocion de la Cruz của Calderon, Les Espirits của Larivey, Un Caso Clinico của Buzzati, Requiem for a Nun của Faulkner...

Năm 1946 cuốn “Sa Ngã” (La Chute – The Fall) được Albert Camus cho xuất hiện, tác phẩm này không dài như cuốn “Bệnh Dịch” nhưng là một tiểu thuyết được viết cẩn thận như cuốn “Người Xa Lạ”.

Trong thập niên 1950, Albert Camus dành thời giờ cho các hoạt động về nhân quyền. Năm 1953, ông là một trong một số ít người đứng lên chỉ trích phương pháp đàn áp các công nhân tại vùng Tây Berlin theo kiểu Xô Viết, rồi qua năm 1956, ông cũng phản đối quân đội Liên Xô đã xâm chiếm xứ Hungary. Albert Camus chủ trương chính sách hòa bình (pacifism), phản đối mọi cách tử hình trên thế giới. 

Cuộc chiến tranh giành độc lập của xứ Algeria nổ ra vào năm 1954, đã khiến cho Albert Camus ở vào tình trạng khó xử. Trước kia, ông đã từng nhận rằng mình thuộc về lớp người "chân đen" (pied-noirs) là những người gốc châu Âu tại miền đất Bắc Phi, tới nay, ông ủng hộ nền tự trị của xứ Algeria nhưng lại bênh vực các chính sách của nước Pháp vì cho rằng cuộc cách mạng tại xứ thuộc địa Bắc Phi là do nước Ai Cập, là một phần của chủ nghĩa đế quốc Ả Rập mới (new Arab imperialism) và cũng do Liên Xô xúi dục để bao vây châu Âu và cô lập Hoa Kỳ.

Trong suốt cuộc đời, Albert Camus luôn luôn nói rõ và tích cực hành động để chống lại chế độ toàn trị (totalitarianism) bất cứ thuộc hình thức nào, dù là chế độ Phát Xít của Đức Quốc Xã hay chế độ Mác Xít cực đoan. Ông đã tham gia vào Phong Trào Kháng Chiến Pháp, điều khiển tờ báo kháng chiến danh tiếng Combat, và ông đã viết: "Bây giờ, chỉ có một giá trị đạo đức là lòng cam đảm, đức tính này cần thiết để xét xử các kẻ bù nhìn (the puppets) và các kẻ to mồm (the chatterboxes) thường khoe rằng mình lên tiếng vì nhân dân (to speak in the name of the people)."

Albert Camus thường chỉ trích Jean Paul Sartre vì thiếu cách chống đối chế độ toàn trị và trong tác phẩm "Nổi Loạn" (L' Homme Révolté – The Rebel), ông đã tấn công đất nước Xô Viết dùng công an trị (the Soviet police state), nói lên các tàn bạo của cách đàn áp đẫm máu của quân đội Xô Viết trong cuộc Cách Mạng Hungary năm 1956.

Từ năm 1955 tới năm 1956, Albert Camus viết bài cho tờ báo Tốc Hành (L'Express) rồi vào tháng 10 năm 1957, Albert Camus được trao tặng Giải Thưởng Nobel Văn Chương vì “tất cả các tác phẩm của ông đã đưa ra ánh sáng một cách nghiêm chỉnh và đi vào lòng người những vấn đề xẩy ra cho chúng ta hiện nay cùng với lương tâm của con người”.

Trang báo loan tin về cái chết của
Albert Camus
Albert Camus từ trần do một tai nạn xe hơi vào ngày 4 tháng 1 năm 1960. Văn Hào này trước kia đã ý thức được cách chết đột ngột một cách "phi lý". Trong cuộc đời, "cõi chết" là tận cùng của chu kỳ sinh tử và trong cuộc sống, con người đã chiếu lên trên các khung cảnh sống các giấc mơ và hy vọng, trong khi đó Thượng Đế luôn luôn im lặng.

Sau khi qua đời, hai tác phẩm của Albert Camus được xuất bản, cuốn đầu tiên có tên là "Một cách chết hạnh phúc" (La Mort heureuse - A Happy Death), phát hành năm 1970 và cuốn thứ hai, "Người Đầu Tiên" (Le premier homme - The First Man). Đây là một tiểu thuyết mang tính tiểu sử tự thuật (autobiographical) về thuở ban đầu của tác giả tại xứ Algeria, được phát hành vào năm 1995.

Các tác phẩm của Văn Hào Albert Camus đã nối nhịp cầu giữa văn chương và triết học, đặt ra các nỗi thắc mắc về ý nghĩa của đời người trong một thế giới đầy lo âu và phi lý.

2/ Cốt truyện của tác phẩm Người Xa Lạ.

Meursault là một người thư ký lãnh việc gửi hàng hóa trong tỉnh Algiers thuộc miền Bắc Phi, đã nghe tin bà mẹ của mình qua đời trong một nhà dưỡng lão. Anh chàng này tham dự lễ an táng của mẹ mình nhưng đã không tỏ lộ nỗi đau đớn trước cảnh tang thương, đây là một điều mà xã hội của anh không chấp nhận. Sau đám táng, Meursault trở về tỉnh cũ.

Hôm sau là ngày thứ bẩy, Meursault đi bơi và đã gặp Marie Cardona, một người đàn bà trẻ trước kia đã từng làm việc với anh tại văn phòng. Họ cùng nhau đi coi phim rồi về nhà và làm tình với nhau. Vào ngày chủ nhật, Meursault ở nhà một mình, ngắm cảnh người qua lại trên đường phố bên dưới.

Qua chiều hôm sau, Meursault gặp một người hàng xóm tên là Raymond Sintes, anh này mời Meursault đi ăn tối và kể lại rằng người bạn gái Ả Rập của anh ta đã không thủy trung nên muốn trả thù. Sintes nhờ Meursault viết dùm một bức thư để cô này trở lại rồi khi đó mới xỉ vả và đuổi cô ta đi. Meursault đồng ý làm công việc này.

Vào cuối tuần lễ kế tiếp, Meursault và Marie đi bơi với nhau. Họ trở lại nhà của Meursault và nghe thấy tiếng cãi lộn bên trong căn phòng của Raymond. Một nhóm đông đã tụ họp trước căn phòng này. Meursault không chịu gọi cảnh sát thì một người láng giềng đã làm công việc đó. Khi tới nơi, viên cảnh sát mới khám phá ra rằng Raymond đã đánh đập người con gái.

Ngày hôm sau, Meursault, Marie và Raymond cùng bạn là Masson cùng đi trên bờ biển. Trước khi từ biệt ra xe buýt, Raymond đã chỉ cho Meursault thấy hai người Ả Rập đứng gần trạm ngừng xe và một người là anh của người con gái mà Raymond đã bạo hành.

Một hôm khi đi ra bờ biển và vì ánh sáng quá chói chan, Meursault bèn tìm bóng mát ở phần cuối bờ biển thì bỗng gặp các người Ả Rập đứng bên trong, họ tưởng rằng chàng tới gây hấn, nên đã rút ra một con dao. Vì bị lóa mắt, Meursault đã rút súng ra và bắn chết một người. 

Meursault bị tống giam. Vị luật sư bào chữa do Tòa chỉ định đã cho chàng biết rằng cảnh sát đã nhận biết sự tàn nhẫn khá lớn lao của chàng trong dịp lễ an táng của bà mẹ chàng. Meursault đã ngạc nhiên vì sự việc kể trên không liên quan gì tới vụ giết người và chàng đã cắt nghĩa rằng vào ngày tang lễ, chàng quá mệt mỏi nên không tích cực trong nghi lễ. Vào một ngày hỏi cung khác, vị công tố khuyên chàng nên hối lỗi và trông nhờ vào Thượng Đế. Meursault đã từ chối lời khuyên, vì chàng không tin vào Thượng Đế và vị công tố cho rằng đây là một tâm hồn chai cứng mà ông chưa từng gặp.

Maria muốn vào nhà giam thăm chàng, nhưng không được phép bởi vì họ không kết hôn. Lần đầu tiên bị nhốt tù, Meursault cho rằng mình sẽ quen đi và chàng giết thời giờ bằng giấc ngủ và suy nghĩ về quá khứ. 

Khi ra trước Tòa, Meursault rất ngạc nhiên khi thấy có quá đông người quen khi trước và người ta đã mô tả các cách hành xử của chàng trong ngày đám tang của bà mẹ, và chàng bị kết tội về những thứ bên ngoài vụ sát nhân và cũng là một tội phạm trong trái tim (a criminal at heart). Vị công tố cho rằng Meursault thiếu hẳn lòng ăn năn hối lỗi, không những có tội giết một người Ả Rập mà còn "mắc tội theo đạo đức" (morally guilty) vào dịp đám tang của bà mẹ chàng.

Sau khi bị kết án, Meursault đã an ủi mình rằng "dù sao, đời cũng không đáng sống" (life isn't worth living anyhow) và mọi người đều phải trực diện với cõi chết. Tại nhà ngục, vị tuyên úy cố công thuyết phục Meursault về "sự công bằng của Thượng Đế" và các niềm tin vào kiếp sau. Meursault tìm ra sự phi lý trong các ý tưởng của vị tuyên úy. Sự nổi giận của chàng đối với vị tuyên úy đã làm chàng mất hết mọi hy vọng ở kiếp sau. Chàng Meursault mong rằng vào ngày chịu tử hình, sẽ có một đám đông người tới coi, họ sẽ chào đón chàng bằng các lời hô "thù ghét" (with cries of hatred).

3/ Ý nghĩa của tác phẩm Người Xa Lạ.

Cuốn tiểu thuyết "Người Xa Lạ" đã trình bày ba giai đoạn mà Meursault gặp cảnh phi lý (absurd), tức là sự vô nghĩa của đời sống con người.

  1. Vô thức (Unconsciousness). Vào giai đoạn đầu, Meursault cho rằng đời người thì phi lý. Chàng đã trải qua một cuộc đời thụ động, nhàm chán và tự động (automatic) làm các công việc hàng ngày vừa máy móc, vừa không có hồn (mindless). Chàng đã không quan tâm tới thế giới bên ngoài, bất cần các quy ước xã hội (society's conventions), không có tham vọng, không có niềm tin tôn giáo, không xúc cảm với các người khác, không hiểu rõ ý nghĩa của cuộc đời. Chàng chỉ làm theo các thỏa mãn vật chất: ăn, uống rượu, tình dục, hút thuốc, ngủ, phơi nắng và ngắm cảnh biển. Chung quanh chàng toàn là các điều phi lý: chịu đựng đau khổ, buồn chán, bệnh tật, tuổi già, sự tàn ác, bạo lực và thù ghét. Cuộc đời của chàng không có mục đích.
  2. Tỉnh thức (Awakening). Vào giai đoạn thứ hai, Meursault bắt đầu thấy đời người là phi lý và vũ trụ còn chứa đựng nhiều bí ẩn mà con người muốn tìm hiểu. Vụ giết người Ả Rập là một sự kiện phi lý, Meursault không có lý do đặc biệt nào để giết hại người đó và chàng đã hành động do ánh sáng mặt trời khiến cho chàng bị lóa mắt. Trong vụ xử án, chàng thấy rằng mình bị kết tội vì các tính tình, các cách hành xử của mình, mà không phải vì tội phạm (crime), và bởi vì Meursault không tin tưởng vào Thượng Đế, toà án đã dán cho chàng cái nhãn "con quỷ thiếu đạo đức" (a moral monster) và kết tội chết. Như vậy, hành động sát nhân của chàng đã không bị kết án mà chính vì các thái độ và tư tưởng của chàng.
  3. Nổi loạn (Revolt). Cuối cùng, Meursault thấy rằng mọi sự việc ở đời đều vô nghĩa (meaningless) và con người chỉ còn một cách chống lại sự phi lý của đời người là nổi loạn. Khi phải nằm trong nhà giam, chàng đã suy nghĩ về ý nghĩa của đời sống, đã thấy các sai trái (falseness) của các quy ước xã hội và chàng cho rằng thứ "kiếp sau" (afterlife) mà vị tuyên úy đề cập, chỉ là một niềm "hy vọng" (a hope) trong khi đời sống và cõi chết, không giống như kiếp sau, là các hiện thực (certainties). 
Chàng biết rằng mọi sự việc ở đời đều dẫn tới cõi chết (everything leads to death). Vì không còn hy vọng nào, Meursault cho rằng chàng đang có một thứ hạnh phúc và nhận thức rằng chỉ có thứ hạnh phúc dành cho con người, đó là sự đánh giá một cách ý thức (to consciously appreciate) "cái tại nơi đây và cái hiện tại" (the here and now) và phải nổi loạn chống lại cái "phi lý" (the absurd).

4/ Nghịch lý của Phi lý.

Nhiều nhà văn đã đề cập tới sự phi lý (the absurd) và mỗi người diễn tả ý tưởng này thực sự ra sao cùng với tầm quan trọng của nó, chẳng hạn triết gia Kierkegaard đã cắt nghĩa rằng sự phi lý của một số sự thật tôn giáo (religious truths) đã ngăn cản chúng ta tới gần Thượng Đế một cách thuần lý, trong khi đó, Jean Paul Sartre nhận thức sự phi lý trong các kinh nghiệm cá nhân (individual experiences).

Albert Camus không phải là người khởi xướng về quan niệm Phi Lý và ông không hài lòng khi nhiều người cho rằng ông là một triết gia về phi lý (a philosopher of the absurd). Để phân biệt Albert Camus với các triết gia phi lý khác, khi nói về sự phi lý của Camus, người ta đề cập tới sự "nghịch lý của phi lý" (the Paradox of the Absurd).

Các tư tưởng đầu tiên của Albert Camus về sự phi lý đã xuất hiện trong tác phẩm "Mặt Trái và Mặt Phải" (1937) rồi chủ đề này lại được hoàn chỉnh hơn trong tuyển tập thứ hai gồm các bài luận văn: Lễ Cưới (Noces – Nuptials, 1938). Trong các luận văn này, Albert Camus đã không định nghĩa hay cắt nghĩa theo triết học sự phi lý (the Absurd) mà mô tả các kinh nghiệm về phi lý. Năm 1942, tác phẩm "Người Xa Lạ" kể lại một người sống cuộc đời phi lý, rồi cùng vào năm này, tác phẩm "Huyền Thoại của Sisyphus" (The Myth of Sisyphus) là một luận văn về sự phi lý khi chàng Sisyphus bị Thượng Đế kết tội suốt đời phải lăn một tảng đá lớn lên dốc. Thượng Đế đã không biết rằng tảng đá sẽ lăn trở lại xuống dưới và nếu chàng Sisyphus chỉ làm một nửa công việc, đây sẽ là cách chống lại sự phi lý.


Trong các bài luận văn, Albert Camus đã trình bày lý thuyết nhị nguyên (dualism): sáng và tối, đời sống và cõi chết, hạnh phúc và đau khổ... Chúng ta phải đối diện với sự thật là "hạnh phúc thì mong manh", trong khi chắc chắn rằng chúng ta sẽ chết. Lý thuyết nhị nguyên là một nghịch lý (a paradox). Chúng ta đánh giá cao đời sống và sự hiện hữu, trong khi đó lại biết rõ rằng chúng ta sẽ chết và nếu vậy, các cố gắng của chúng ta sẽ trở thành vô nghĩa (meaningless) và chúng ta không thể sống với nghịch lý sau đây: "đời này rất quan trọng nhưng lại là vô nghĩa". Còn nếu như đời sống không có ý nghĩa và vì thế không có giá trị, liệu chúng ta có nên tự sát không?

Các tác phẩm của Albert Camus đã gây ra các tranh luận công cộng, nhưng ông cũng đề cao các quan niệm như cộng tác (cooperation), hiệp lực (joint effort) và đoàn kết (solidarity).

Jean Paul Sartre có một hệ thống triết học. Albert Camus thì không. Ông không bao giờ viết về ý nghĩa siêu hình của sự tự do (freedom). Ông là một người vô thần (an atheist), thường ác cảm nhưng cũng cởi mới đối với tôn giáo.

Cả hai triết gia Jean Paul Sartre và Albert Camus đều quan tâm tới chính trị, nhưng Jean Paul Sartre đặt chính trị lên trên đạo đức (morals) còn Albert Camus chủ trương trái ngược, và đây là lý do đã có sự dạn nứt giữa hai nhà tư tưởng. Jean Paul Sartre viết trong ấn bản tháng 12 năm 1945 của Tạp Chí Paru: "Camus không phải là một nhà hiện sinh" (an existentialist), triết học của ông ta là một triết học của sự phi lý", trong khi đó, Albert Camus lại viết trong ấn bản tháng 9 năm 1945 của Tạp Chí Chiến Đấu (Combat) như sau: "Tôi tin rằng các kết luận của trường phái Hiện Sinh thì sai".

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org, Britannica Encyclopedia.

Albert Camus

The Stranger



1 comment :

  1. Bài biên khảo ngắn gọn nhưng kỹ lưỡng và đầy đủ. Xin chân thành cảm tạ tác giả Phạm Văn Tuấn.

    ReplyDelete

Powered by Blogger.