Header Ads

Jonathan Swift (1667-1745) Nhà Văn Ái Nhĩ Lan với Tác Phẩm Các Chuyến Du Lịch của Gulliver


Phạm Văn Tuấn

Jonathan Swift (1667 - 1745) là một nhà văn người Ái Nhĩ Lan, tác giả của cuốn truyện “Các Chuyến Du Lịch của Gulliver” (Gulliver’s Travels, 1726). Đây là một đại tác phẩm trong nền văn chương khôi hài.

Jonahthan Swift đã quan tâm rất nhiều tới các hành vi và sự phúc lợi của các người dân vào thời đại của ông, đặc biệt là sự phúc lợi (welfare) của người dân Ái Nhĩ Lan và các hành vi của người Anh đối với xứ Ái Nhĩ Lan. Khi nhận thấy các tập quán, ý tưởng và hành động của người đương thời mà ông cho là ngớ ngẩn hay có hại, Jonathan Swift đã chế giễu các điều xấu xa này. Khả năng viết văn của Jonathan Swift để chế nhạo các tập quán, ý tưởng và hành động ngu ngốc đã khiến cho người dân nước Anh coi ông là một nhà châm biếm thuộc hạng cao cấp.

1/ Thời niên thiếu của Jonathan Swift.

Sau công cuộc Phục Hưng giòng họ Stuart (the Stuart Restoration) vào năm 1660, ông Jonathan Swift cha (the elder) là người Anh, đã định cư tai nước Ái Nhĩ Lan và trở nên người quản lý nhà hàng (steward) của Nhà Hàng của Nhà Vua (the King's Inns) tại thành phố Dublin. Vào năm 1664, ông Swift cha kết hôn với bà Abigail Erick, bà này là con gái của một vị tu sĩ Anh. Vào mùa xuân năm 1667, ông Swift cha bỗng nhiên qua đời, để lại cho các người em trai của ông chăm sóc người vợ, một cô con gái nhỏ và một đứa bé chưa sinh.

Jonathan Swift chào đời tại Dublin vào ngày 30 tháng 11 năm 1667.Cậu bé Jonathan này lớn lên mà không có cha, sinh sống tùy thuộc vào tấm lòng rộng lượng của các người chú. Tuy nhiên việc học hành của cậu Jonathan vẫn được lưu tâm.

Vào tuổi lên 6, cậu Jonathan được gửi tới trường Kilkenny vào thời gian đó, là ngôi trường hạng nhất của nước Ái Nhĩ Lan (Ireland). Vào năm 1682, Jonathan Swift theo học trường Đại Học Trinity (Trinity College) tại thành phố Dublin, nơi đây cậu đậu văn bằng Cử Nhân Văn Khoa (Bachelor of Arts degree) vào tháng 2 năm 1686 với hạng speciali gratia (by special favour = do ưu đãi đặc biệt), đây là loại khoan hồng cấp cho người sinh viên bị thi trượt về một vài môn học phụ, để người sinh viên tốt nghiệp theo đủ các quy định thông thường.

Jonathan Swift tiếp tục theo học tại Đại Học Trinity để có văn bằng Cao Học về Văn Chương (Master of Arts) cho tới tháng 2/1689. Cuộc Cách Mạng năm 1688 đã khiến cho Jonathan Swift phải trở về nước Anh và sinh sống nhờ một nhân vật thuộc gia đình bên mẹ là Sir William Temple, tại Moor Park, Hạt Surrey. Jonathan Swift ở tại nơi này cho tới khi Sir Temple qua đời vào năm 1699.

2/ Các năm sinh sống tại Moor Park.

Khi còn sinh sống, Sir William Temple đã viết hồi ký và các bài bình luận để in thành  sách, nên đã dùng Jonathan Swift làm thư ký cho ông. Chính tại Moor Park, Jonathan Swift đã trở nên uyên bác nhờ tòa nhà thư viện rất đầy đủ của Sir Temple và cũng tại nơi đây, ông đã gặp cô Esther Johnson (người sau này là Stella), là con gái của bà quả phụ coi nhà cho Sir Temple. Vào năm 1692, Jonathan Swift nhận văn bằng Cao Học (M.A.) tại trường Đại Học Oxford.

Trong thời gian cư ngụ tại Moor Park, Swift đã hai lần trở lại xứ Ái Nhĩ Lan rồi trong lần thứ hai, đã chịu lễ làm tu sĩ của Nhà Thờ Anh Cát Giáo vào tháng Giêng năm 1695. Vào cuối tháng 1 này, Jonathan Swift được bổ nhiệm làm mục sư (vicar) của hạt Kilroot, gần thành phố Belfast. 

Trong thời gian từ năm 1691 tới năm 1694, Jonathan Swift đã làm xong một số bài thơ, đặc biệt là 6 bài thơ ca ngợi (odes) nhưng thiên tài thực sự của ông chỉ xuất hiện khi ông viết ra những bài văn châm biếm, phần lớn tại Moor Park giữa các năm từ 1696 tới 1699. Một trong các tác phẩm chính của ông là cuốn truyện “Một Câu Chuyện của một cái Bồn Tắm” (A Tale of a Tub), xuất bản nặc danh vào năm 1704, cuốn truyện này gồm có 3 cuốn nhỏ: phần chính = Câu Chuyện (the Tale itself), là phần châm biếm chống lại “một số lớn các hủ hóa (corruptions) trong tôn giáo và trong học vấn”, phần thứ hai là cuốn “Trận Chiến của các Cuốn Sách” (the Battle of the Books) dùng để nói về sự giả bộ anh hùng (mock-heroic), tác giả đã ủng hộ các người xưa trong việc tranh cãi các giá trị tương đối của văn chương và văn hóa mới đối với cũ, và phần thứ ba là cuốn “Bàn Luận về hoạt động cơ học của Tinh Thần” (Discourse Concerning the Mechanical Operation of the Spirit), trong đó tác giả chế giễu cách thức thờ phượng và giảng đạo của các người mộ đạo vào thời kỳ đó.

“Một Câu Truyện của một cái Bồn Tắm” là một tác phẩm xuất sắc vì nhiều lời châm biếm khôn ngoan, văn phong tạo nên nhiều ảnh hưởng đặc biệt, phần lớn nhờ bản chất của lối văn nhại (parody). Jonathan Swift đã nhìn thấy phạm vi văn hóa và văn chương đang bị đe dọa bởi lối thông thái dỏm (pedantry) ghen tị, trong khi tôn giáo, đặc biệt là Anh Cát Giáo đang bị tấn công bởi nhà thờ Cơ Đốc La Mã (Roman Catholicism) và nhà thờ của những người bất đồng tôn giáo (dissenting churches). Tác giả cho rằng các nguy hiểm này đều do một nguồn gốc, đó là các “sự không hợp lý” (the irrationalities) đang làm xáo trộn các khả năng cao nhất của con người, đó là “lý trí” (reason) và “lương tri” (common sense).

3/ Nhà châm biếm, nhà báo chính trị và tu sĩ.

Khi Sir Temple qua đời vào năm 1699, Jonathan Swift trở lại Dublin vào năm 1700, làm mục sư (pastor) tại Laracor, Ái Nhĩ Lan và thư ký cho Bá Tước Berkeley (the Earl of Berkeley), ông này qua xứ Ái Nhĩ Lan làm Bộ Trưởng Tư Pháp (Lord of Justice).

Sau khi từ chức mục sư (vicar) tại Kilroot, Jonathan Swift đã giữ nhiều chức vụ trong Nhà Thờ Ái Nhĩ Lan và ông đã viết nhiều bài báo, chứng tỏ rằng tác giả đã thường xuyên theo dõi các biến cố tại Ái Nhĩ Lan và tại nước Anh. Trong số các bài viết này, có bài luận văn tên là “Khảo sát về các tranh luận và các mối bất hòa giữa các nhà Quý Tộc và các người Dân Thường tại hai thành phố Athens và Rome” (Discourse of the Contests and Dissentions between the Nobles and the Commons in Athens and Rome), và trong bài luận văn này, ông Jonathan Swift đã biện hộ cho sự cân bằng lực lượng theo Hiến Pháp giữa Vương Quyền và Hai Viện của Nghị Viện Anh bởi vì sự cân bằng này là cách chống lại sự độc tài.

Ông Jonathan Swift đã trở lại thành phố London vào các năm 1701, 1702, 1703 và các năm từ 1707 tới 1709. Tại thành phố London, ông Jonathan Swift được nhiều người thán phục vì sự duyên dáng cá nhân và lý trí sáng suốt của ông khi là một nhà văn. Về tôn giáo, Jonathan Swift là một người trung thành tuyệt đối với Nhà Thờ Anh Cát Lợi (the Anglican Church) nhưng ông không tin tưởng vào thần quyền của các vị vua (the divine right of kings).

Jonathan Swift trong khi điều hành nhà thờ, đã có được nhiều bạn bè thuộc hạng cao cấp của chính quyền Anh, ông sớm trở nên một nhà văn viết chính trị (a political writer), là nhà văn chính viết các cuốn sách nhỏ cho đảng Tory (đảng Bảo Thủ) rồi vào cuối tháng 10 năm 1710, ông là chủ bút của tờ báo “Người Xem Xét” (the Examiner), tờ báo tiếng nói của đảng Tory, giữ chức vụ này tới ngày 14 tháng 6 năm 1711. Ông đã cổ võ sự hòa bình với nước Pháp, kết quả là ông được tưởng thưởng vì các phục vụ, nên vào tháng 4 năm 1713, Nữ Hoàng Anne đã bổ nhiệm ông làm Tu Viện Trưởng (dean) của Nhà Thờ St. Patrick tại Dublin.

4/ Rút lui về Ái Nhĩ Lan.

Khi Nữ Hoàng Anne qua đời vào tháng 8 năm 1714, Vua George I lên ngôi vua khiến cho đảng Tory bị suy kém vì đảng Whig kiểm soát chính quyền vào năm đó, sự thay đổi này đã chấm dứt quyền lực chính trị của Jonathan Swift và các bạn bè của ông tại nước Anh. Ông trở về xứ Ái Nhĩ Lan và sống ẩn dật. Jonathan Swift bắt đầu làm thơ, trong các tập thơ, nổi tiếng nhất là cuốn “Các lời thơ về cái Chết của Tiến Sĩ Swift” (Verses on the Death of Doctor Swift).

Về đời tư, Jonathan Swift không lập gia đình. Trong khi làm việc cho Sir William Temple, Jonathan Swift đã gặp một cô bạn gái trẻ tuổi tên là Esther Johnson mà ông gọi là Stella. Khi đề cập tới cô Stella, Jonthan Swift vẫn coi cô ta như là một người bạn. Jonathan Swift đã viết nhiều bức thư dài gửi cho cô Stella trong những ngày bận rộn nhất của ông. Các bức thư này được xuất bản sau khi ông qua đời, in thành tập sách có tên là “Nhật Ký gửi Stella” (Journal to Stella).

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Jonathan Swift là cuốn “Các Chuyến Du Lịch của Gulliver” (Gulliver’s Travels) xuất bản vào năm 1726. Người ta không biết ông đã bắt đầu viết tác phẩm này vào năm nào nhưng qua các bức thư của ông, nhiều người tin rằng Jonathan Swift bắt đầu viết tác phẩm kể trên vào năm 1721 và hoàn thành vào tháng 8 năm 1725. Sau khi xuất bản, tác phẩm kể trên đã thành công ngay bởi vì cuốn truyện vừa giải trí, vừa kích thích trí tò mò của mọi loại độc giả.

Tranh vẽ trên tường diễn tả Gulliver đến nước Lilliput của người tí hon

Vào mùa thu năm 1739 tại Dublin đã có một buổi lễ lớn vinh danh nhà văn Jonathan Swift rồi sau đó, tác giả này bị đột quỵ (stroke). Năm 1742, ông Jonathan Swift bị yếu sức rồi qua đời vào ngày 19 tháng 10 năm 1745 và được chôn cất trong khu vực Nhà Thờ St. Patrick. Jonathan Swift đã để lại một số tiền để xây dựng một bệnh viện dành cho những người bị bệnh tâm thần (mentally ill).

5/ Các chi tiết về Tác Phẩm.

  • Tên đầy đủ của Tác Phẩm: Gulliver’s Travels, hay là Travels into Several Remote Nations in the World.
  • Thời điểm và nơi viết Tác Phẩm: 1712 – 1726 tại London và Dublin.
  • Năm xuất bản: 1726 (ấn bản đầy đủ được xuất bản vào năm 1735).
  • Người xuất bản: George Faulkner.
  • Loại tác phẩm: tiểu thuyết.
  • Thể loại: châm biếm.
  • Ngôn ngữ: tiếng Anh.
  • Thời gian của câu chuyện: đầu thế kỷ 18.
  • Nơi chốn của câu chuyện: nước Anh và các miền đất tưởng tượng là Lilliput, Brobdingnag và phần đất của các con vật Houyhnhnms.
  • Thể văn: quá khứ.
  • Giọng văn: châm biếm, ngây thơ, cay đắng.
  • Người kể chuyện: Lemuel Gulliver trong ngôi thứ nhất.
  • Quan điểm: là của Lemuel Gulliver.
  • Chủ đề: sự hay thay đổi của vận may và các khuyết điểm của các cư dân tại các miền đất mà Gulliver đã thăm viếng và các cản trở trong công việc trở về quê cũ của Gulliver. Tác phẩm cũng đề cập tới các bản chất tự nhiên của con người, các thiếu sót về đạo đức và sự tham nhũng trong xã hội Anh.

6/ Vài nhân vật chính trong truyện.

Lemuel Gulliver: là người đi du lịch và cũng là người mạo hiểm, đây là nhân vật chính trong cuốn truyện “Các Chuyến Du Lịch của Gulliver”. Gulliver cũng là người quan sát và nhận xét về các nền văn hóa và các sự việc xẩy ra.

Brobdingnag: là xứ sở của các người khổng lồ.

Glumdalclitch: là con gái của người nông dân trong xứ sở Brobdingnag, cô bé này thường quan sát Gulliver và bảo vệ Gulliver khỏi các tai nạn.

Houyhnhnms: là các con ngựa loại cao cấp, biết lý trí và là chủ nhân của các con Yahoos.

Yahoos: là loại người vượn đáng ghét, bị các con ngựa houyhnhnms thuần phục.

Con ngựa xám: là con ngựa thuộc loại houyhnhnm và là chủ căn nhà mà Gulliver cư ngụ.

7/ Các Chuyến Du Lịch của Gulliver.

A/ Chuyến Du Lịch thứ nhất: tới Xứ Lilliput.

Sau khi bị đắm tầu, Lemuel Gulliver, một bác sĩ người Anh ở trên con tầu biển, đã tỉnh dậy và thấy rằng mình bị trói xuống đất và vây chung quanh là các người cao 6 inches (15 cm), đây là những người Lilliput (the Lilliputians). Khi Gulliver dự tính tìm cách tháo dây trói thì các người Lilliput đã bắn vào người Gulliver bằng các mũi tên giống như các mũi kim nhỏ, vì thế ông ta đành chấp nhận đầu hàng trước các kẻ bắt trói mình.

Không lâu sau đó, các người Lilliput nhận thấy rằng Gulliver có cử chỉ tốt lành nên họ bắt đầu làm cho ông ta vui vẻ. Gulliver nhận biết rằng đây là xứ sở mà các nhà chính trị đi thăng bằng trên dây thừng để đạt được các chức vụ công. Các quan lớn thì nhận được các sợi chỉ mầu nhờ nhẩy qua hay đi luồn qua các thanh gỗ ngang mà Hoàng Đế kiểm soát, rồi các sợi chỉ mầu này sẽ khiến cho họ có được các địa vị ưu đãi. Sau khi Gulliver thề trung thành với Hoàng Đế thì ông ta được cởi trói, nhưng một vị đô đốc tên là Skyresh Bolgolam không ưa ông ta.

Sau đó Gulliver thăm thành phố giống như đồ chơi của người Lilliput và quan sát các phong tục của họ, một số phong tục thì đáng quý mặc dù xa lạ. Thí dụ, lòng bất nhân là một tội phạm nặng nề, các công dân được tưởng thưởng khi tôn trọng pháp luật, cả hai loại người nam hay nữ đều được giáo dục như nhau. Nhưng người Lilliput cũng có các vấn đề. Các đảng phái chính trị bất đồng ý kiến với nhau vì hiến pháp cổ xưa đòi hỏi giầy cao gót hay thấp gót. Các bộ trưởng của Hoàng Đế đi giầy thấp gót trong khi giầy cao gót lại được dùng phổ thông hơn.

Người Lilliput cũng có các tranh luận về tôn giáo. Trong khi giáo điều cổ điển đòi hỏi rằng quả trứng gà phải đập ở đầu lớn trong khi gần đây, Hoàng Đế lại ra nghị định rằng mọi người phải đập trứng tại đầu nhỏ. Nhiều người Lilliput do niềm tin, nên đã chấp nhận chịu chết còn hơn tuân theo nghi định. Vào lúc này, Hoàng Đế Blefuscu của một hòn đảo bên cạnh và là kẻ thù lâu đời của xứ Lilliput, đã ủng hộ loại người Big-Endians, và loại người này đang đe dọa xâm lăng xứ Lilliput.

Gulliver đã lội qua xứ Blefuscu và đã kéo hạm đội địch qua eo biển về xứ Lilliput. Hoàng Đế xứ Lilliput rất hân hoan, muốn chinh phục xứ Blefuscu nhưng Gulliver từ chối làm nô dịch một dân tộc tự do. Trong khi các thương lượng hòa bình đang được tiến hành, Gulliver đã giúp đỡ các đại sứ của xứ Blefuscu. Đô Đốc Bolgolam và Thủ Tướng của xứ Lilliput là Flimnap đã coi hành vi của Gulliver là phản bội. Flimnap cũng trở nên ghen tuông bởi vì có lời đồn xấu rằng Gulliver là người tình của vợ ông ta. Gulliver cũng có thêm nhiều kẻ thù bởi vì ông ta đã xúc phạm tới bà Hoàng Hậu khi ông ta đi tiểu để dập tắt một vụ hỏa hoạn. Bolgolam và Flimnap tố cáo Gullier là phản bội nên Hoàng Đế đã bí mật ra lệnh xử tử Gulliver. Gulliver đã trốn qua xứ Blefuscu và rồi một tầu buôn Anh đã cứu ông ta và đưa trở về nước Anh.

B/ Chuyến du lịch thứ hai: tới xứ Brobdingnag.

Khi Gulliver là một y sĩ trên một con tầu đi biển, ông ta và một nhóm thủy thủ được phái đi tìm nước uống trên một hòn đảo, nơi này lại là đất đai Brobdingnag của một giống người khổng lồ. Khi đã ở trên đảo, nhóm người của Gulliver bị một người khổng lồ săn đuổi. Trong khi các thủy thủ kia bỏ chạy được, Gulliver bị bỏ lại đằng sau và bị bắt. Người khổng lồ bắt được Gulliver là một nông dân, đã mang Gulliver về nhà và đã đối xử với Gulliver một cách tử tế nhưng cũng khác thường. Người nông dân này giao Gulliver cho cô con gái của ông ta chăm sóc, cô bé này tên là Glumdalclitch và cô ta đã lo lắng cho Gulliver với lòng từ tâm.

Người nông dân khổng lồ đã mang Gulliver đi trình bày khắp các miền quê để cho mọi người cùng nhìn rõ. Cuối cùng người nông dân đã bán Gulliver cho Nữ Hoàng. Tại triều đình, Gulliver đã gặp nhà vua và cả hai đã thảo luận với nhau vào nhiều dịp về các tập tục và hành vi tại quê hương của Gulliver. Vào nhiều lúc, nhà vua bị xúc động và buồn rầu vì những sự ích kỷ và nhỏ mọn mà Gulliver đã kể lại, trong khi đó Gulliver đã bào chữa cho nước Anh.

Một hôm và tại nơi bờ biển, Gulliver đang ở trong một chiếc hộp và nhìn ra ngoài khơi thì một con chim đại bàng đã chộp lấy chiếc hộp rồi thả trên mặt biển. Một con tầu biển đi gần đó đã nhận ra chiếc hộp đang trôi nổi và Gulliver được cứu thoát, sau đó ông ta đã trở về nước Anh và đoàn tụ với gia đình.

C/ Chuyến Du Lịch Thứ Ba: đi tới xứ Laputa.

Gulliver đang ở trên một con tầu đi về phía đông của miền Địa Trung Hải. Gulliver được giao nhiệm vụ làm thuyền trưởng của một con tầu nhỏ một cột buồm để đi tới một hòn đảo gần đó và tìm cách thiết lập mối liên lạc thương mại. Trong chuyến đi này, các kẻ cướp biển đã tấn công con tầu và đặt Gulliver vào một con thuyền nhỏ để tự tìm cách thoát thân. Trong khi nổi trôi trên đại dương, Gulliver đã khám phá thấy một hòn đảo bay (a Flying Island) có tên gọi là Laputa. Khi ở trên hòn đảo bay này, Gulliver đã gặp nhiều người, kể cả nhà vua. Tất cả mọi người đều bận rộn vì các công việc liên quan tới Toán Học và Âm Nhạc. Ngoài ra các nhà thiên văn đã dùng các định luật về từ trường để di chuyển hòn đảo lên xuống, tiến về phía trước hay lùi về phía sau cũng như bay sang bên cạnh, như vậy họ đã kiểm soát được cách vận chuyển của hòn đào so với hòn đảo ở phía dưới có tên gọi là Balnibardi. 

Trong khi ở trên hòn đảo bay, Gulliver đã thăm viếng các đảo Balnibarbi, Grubbdubdrib và Luggnagg. Cuối cùng, Gulliver tới được nước Nhật Bản rồi tại nơi này, ông ta đã gặp Hoàng Đế Nhật Bản. Từ Nhật Bản, Gulliver trở về Amsterdam rồi cuối cùng về đến nhà trong nước Anh.

D/ Chuyến Du Lịch Thứ Tư: đi tới xứ của loài ngựa Houyhnhnm và loài người vượn  Yahoo.

Khi Gulliver là thuyền trưởng của một con tầu buôn hướng về các hòn đảo Barbados và Leeward, nhiều thủy thủ của ông ta đã bị bệnh và chết trong chuyến đi biển. Tại Barbados, Gulliver đã thuê nhiều thủy thủ thay thế. Những người sau này hóa ra là những tên cướp biển, chúng đã thuyết phục các thủy thủ khác nổi loạn. Ngay lúc đó Gulliver đã bị tấn công bởi một nhóm sinh vật xấu xí, đáng kinh tởm và giống như người thường mà về sau này, ông ta mới biết tên của chúng là Yahoos. 

Những con vượn người này đã đánh phá Gulliver bằng cách leo lên cây rồi phóng uế vào người ông ta. Gulliver được cứu thoát bởi một con ngựa mà sau này mới biết tên gọi là Houyhnhnm. Con ngựa sám Houyhnhnm đã đưa Gulliver về nhà của nó, tại nơi này Gulliver được giới thiệu với một con ngựa cái màu sám là vợ và hai con ngựa con cùng với một con ngựa màu hồng, là đầy tớ. 

Gulliver cũng nhìn thấy rằng các người vượn yahoos bị giam giữ trong các bãi rào kín, xa với khu nhà ở và không kể tới quần áo thì Gulliver và các người vượn yahoos đều là một loài thú vật, từ quan điểm này, Gulliver và chủ nhân là con ngựa sám đã thảo luận về sự tiến hóa của giống người vượn yahoos, về các đề tài, các quan niệm và hành vi liên quan tới xã hội yahoo mà Gulliver là người đại diện và về xã hội loài ngựa houyhnhnm.

Mặc dù Gulliver được đối đãi đặc biệt tại nhà của con ngựa màu sám nhưng Hội Đồng của nhà Vua loài ngựa này đã quyết định rằng Gulliver là một con yahoo nên phải về sinh sống với các con yahoos không văn minh hay là phải trở lại thế giới riêng của Gulliver. 

Rất buồn, Gulliver phải đóng một con thuyền nhỏ rồi dương buồm đi tới một hòn đảo gần đó, tại nơi này Gulliver đã thấy một nhóm thủy thủ từ một con tầu Bồ Đào Nha. Thuyền trưởng của con tầu này đã đưa Gulliver trở về Lisbon rồi sau đó quay về nước Anh.

Khi về nhà, Gulliver đã bị gia đình yahoo của chính ông ta xua đuổi vì thế Gulliver đã mua hai con ngựa để chăm sóc và nói chuyện với chúng trong chuồng ngựa, ngõ hầu có thể xa lánh gia đình yahoo của chính mình càng lâu càng tốt.

8/ Vài nhận xét về cuốn truyện "Các Chuyến Du Lịch của Gulliver".

Tác giả Jonathan Swift cho rằng trong đời sống xã hội, thường thấy các tật xấu như tham nhũng, khoe khoang, dèm pha... và các hành vi vô lý, trong khi các hành vi hợp lý là lý trí, lương tri, sự cứu xét đúng dắn, đây là các căn bản dùng cho đời sống công bằng và từ thiện... các đức tính sau này là của Vua Brobdingnag. Các định chế trong xã hội lúc đầu thì đơn giản nhưng dần dần trở nên suy đồi. Tại xứ Liliput, người ta đạt được các địa vị cao nhờ vào các thủ đoạn chính trị nhỏ mọn, không liên quan tới tài năng và khả năng. 

Tại các xứ Liliput, Laputa và Luggnagg, quyền lực đã bị dùng không đúng cách cho nên người dân bị áp chế và đã có các âm mưu chính trị. Trong khi đó, Vua Brogdingnag đã cai trị xứ sở bằng lương tâm và lý trí, nên đã tránh được các âm mưu như đã xẩy ra với chính quyền Liliput, còn tại xứ sở của loài ngựa Houyhnhnms thì họ hoàn toàn theo lý trí, vì vậy họ được hưởng nền hòa bình, sức khỏe và sự hòa hợp. Tại xứ sở của loài ngựa này, các đại biểu quốc hội chỉ cần họp bàn với nhau một lần mỗi 4 năm bởi vì loài ngựa là các sinh vật theo lý trí nên họ cần tối thiểu các tổ chức xã hội. 

Tác giả Jonathan Swift cũng tin tưởng giống như nhiều người trong thế kỷ 18 rằng không có hai con người bằng nhau, tức là luôn luôn có người này tài giỏi hơn, người kia tài kém hơn, bởi vì mọi người không phải sinh ra bằng nhau và tác giả Swift không đồng ý về sự ưu tiên dành cho các người sinh ra từ các gia đình quyền quý. Ông Jonathan Swift đã chỉ trích sự không công bằng giữa người giàu có và kẻ nghèo hèn, phê phán sự phân biệt giai cấp không được căn cứ trên tài năng. 

Theo tác giả Swift, giá trị cao phải được đặt vào lương tri (common sense), kiến thức thực tế và lý trí (reason). Tại xứ sở Brobdingnag, sự học vấn thì đơn giản và thực tế, các sách vở rất ít. Tại xứ sở của loài ngựa Houyhnhnms, họ không dùng chữ viết mà dùng lời nói, trong khi tại hai xứ sở Laputa và Balnibarbi, người ta nhấn mạnh vào lý thuyết và các vấn đề thiếu thực tế. 

Tác giả Jonathan Swift cũng châm biếm nhiều loại nghề nghiệp: các nhà chính trị và các luật sư bị coi là các người làm hư hỏng chân lý (the truth), các bác sĩ là các lang băm (quacks) thường hay làm chết người. Ông Jonathan Swift không chối bỏ nền văn minh nhưng ông ca ngợi tính đơn giản, tính thuần lý. Theo ông, các xã hội tốt đẹp nhất là thứ xã hội không quá phức tạp, tại nơi này người dân được cai trị bằng lý trí và bằng tấm lòng từ thiện.

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia, Cliffsnotes, Sparksnotes.

No comments

Powered by Blogger.