Header Ads

Chiếc Lá Cuối Cùng



Bùi Phạm Thành

Ở một khu vực nhỏ thuộc phía tây của Washington Square, đường phố chằng chịt với những ngôi nhà rẻ tiền đã lôi cuốn được nhiều người thuộc giới hoạ sĩ vẫn còn đang chật vật trong cuộc sống. Họ tụ tập tại nơi này và lập thành một khu phố riêng biệt cho giới hoạ sĩ.

Ở phía trên cùng của một ngôi nhà nhỏ bằng gạch ba tầng, Sue và Johnsy có phòng vẽ tranh của họ. "Johnsy" đến từ Maine, và Sue đến từ California. "Johnsy" là một cô gái tóc ngắn có dáng điệu của một thanh niên. Họ đã gặp nhau tại tiệm ăn ở đường số Tám có tên là "Delmonico's", và nhận ra rằng họ có cùng sở thích, từ xà-lách cho đến nghệ thuật, kết quả là một phòng vẽ tranh chung được khai sinh.

Đó là vào tháng Năm. Vào tháng mười một, một căn bệnh quái ác gọi là "viêm phổi" đã tràn vào khu vực của giới hoạ sĩ và đã lây nhiễm vào một số người. Ở phía đông của khu vực, căn bệnh quái ác này đã hạ gục vài nạn nhân, và đang tiếp tục lan đi theo những con đường chằng chịt, nhỏ hẹp và rêu phong của khu phố.

Căn bệnh "viêm phổi" quái ác đã xâm lăng phòng vẽ của Sue và Johnsy. Kết quả là Johnsy bị nằm liệt trên giường, mắt hướng về phía cửa sổ nhìn vào bức tường gạch của căn nhà bên cạnh.

Một buổi sáng, vị bác sĩ ghé thăm Johnsy, rồi kéo Sue ra ngoài hành lang, sau khi lắc chếc nhiệt kế cho độ thuỷ ngân lắng xuống, ông nói: 

- Cô này, nếu muốn sống, cũng chỉ có một phần mười cơ hội. Những người có ý nghĩ rất tiêu cực về tình trạng sức khoẻ của mình, khiến thuốc men trở nên vô hiệu. Bạn của cô đã có ý nghĩ là không thể khỏi bệnh. Cô ta có ý muốn gì khác không?

Sue lên tiếng:

- Cô ta muốn có dịp vẽ một bức tranh về Vịnh Naples.

Vị bác sĩ cao giọng:

- Vẽ? Theo tôi thì cô ta nên suy nghĩ lại đi. Nghĩ về một người đàn ông chẳng hạn.

- Một người đàn ông? Liệu có một người đàn ông nào xứng đáng để nghĩ đến không hả bác sĩ? Không, không bao giờ có điều này cả.

- Đó là yếu điểm của cô ta. Về phần tôi, tôi chỉ có thể làm những gì mà khoa học cho phép. Nhưng khi bệnh nhân có những ý nghĩ tiêu cực, thì hiệu lực của thuốc chỉ còn 50 phần trăm. Nếu cô có thể hướng sự suy nghĩ của cô ta về các kiểu thời trang của mùa Đông sắp tới thì hy vọng khỏi bệnh sẽ là một phần năm, thay vì một phần mười.

Sue đã khóc sau khi vị bác sĩ đi khỏi. Cố trấn tỉnh, cô ta bước vào phòng Johnsy, trên tay cầm bảng màu và miệng thì huýt sáo.

Johnsy nằm yên bất động, mặt hướng về phía cửa sổ. Sue ngừng huýt sáo vì nghĩ rằng cô ta đã ngủ.

Sue sắp xếp bảng vẽ của mình và bắt đầu vẽ bằng bút và mực để minh họa một câu chuyện cho một tạp chí. Các họa sĩ trẻ phải khởi nghiệp bằng cách vẽ tranh minh hoạ cho các tạp chí.

Khi Sue đang phác thảo hình ảnh của một chàng cao bồi Idaho, cô nghe thấy một âm thanh trầm, được lặp lại vài lần. Cô đi nhanh đến bên giường của Johnsy, cô ta đang mở to mắt nhìn ra cửa sổ và đếm - đếm ngược:

"Mười hai," cô ta đếm, và một chút sau đó là "mười một"; tiếp theo đó là "mười" rồi "chín"; và sau đó là "tám" và "bảy".

Sue nhìn ra ngoài cửa sổ. Có gì để đếm? Chỉ có một cái sân trống trơn, ảm đạm, và một vách tường của ngôi nhà gạch cách đó khoảng sáu thước. Trên đó, có một cây leo già cỗi, leo lên nửa bức tường gạch. Cơn lạnh giá của mùa thu đã làm rơi rụng những chiếc lá của dây leo, cho đến khi những cành khô xương xẩu của nó gần như trơ trụi, cố bám vào những viên gạch sứt mẻ trên tường.

"Gì vậy?" Sue hỏi với giọng trìu mến.

“Sáu,” Johnsy tiếp tục đếm với giọng yếu ớt, gần như là thì thầm. "Bây giờ chúng đang giảm nhanh hơn. Ba ngày trước có gần một trăm. Tôi thấy nhức đầu khi đếm chúng. Nhưng bây giờ thì thật dễ dàng. Lại thêm một chiếc nữa. Giờ chỉ còn năm chiếc thôi."

Với giọng trìu mến, Sue hỏi:

- Năm cái gì vậy?

- Những chiếc lá. Trên cây leo trên tường bên ngoài cửa sổ. Khi chiếc cuối cùng rơi xuống, thì tôi cũng sẽ đi theo chúng. Tôi đã biết điều đó ba ngày trước rồi. Bác sĩ không nói với bạn hay sao?

- Ô, tôi chưa nghe thấy điều vô nghĩa đó. Những chiếc lá của dây leo đó có liên hệ gì đến sức khoẻ của bạn đâu. Có lẽ bạn quá yêu thích những chiếc lá của dây leo đó mà thôi. Bác sĩ vừa nói với tôi là bạn sẽ chóng khỏi bệnh, cơ hội khỏi bệnh của bạn là một phần mười, như thế  khác gì với đời sống của cư dân  New York khi đi xe điện hoặc ngay cả đi ngang qua một toà nhà lớn. Hãy để tôi tiếp tục với các bức minh hoạ để có tiền cho những món ăn ngon miệng trong những ngày sắp tới.

Johnsy nói, trong khi mắt vẫn nhìn qua cửa sổ:

- Có lẽ tôi không cần đến thức ăn nữa. Chỉ còn bốn cái. Tôi chỉ muốn nhìn chiếc lá cuối cùng rơi trước khi trời tối. Và rồi tôi cũng sẽ ra đi.

Sue cúi xuống, giọng thì thầm:

- Johnsy, hãy hứa với tôi là bạn sẽ nhắm mắt, không nhìn ra ngoài cửa sổ cho đến khi tôi làm xong việc hôm nay. Ngày mai tôi phải giao bản vẽ cho toà báo. Tôi cần nguồn sáng từ bên ngoài cửa sổ, nếu không thì đã kéo cái màn che xuống rồi.

- Bạn không thể vẽ ở phòng khác hay sao?

- Tôi muốn ở bên cạnh bạn. Vả lại, tôi không muốn bạn cứ nhìn mãi những chiếc lá vô nghĩa của dây leo trên tường kia.

Johnsy nhắm mắt, nằm dài như một bức tượng bị xô ngã, mặt trắng bệch, với giọng mệt mỏi:

- Hãy nói cho tôi biết sau khi bạn đã vẽ xong. Bởi vì tôi muốn nhìn thấy chiếc lá cuối cùng rơi xuống. Tôi đã mệt mỏi vì chờ đợi, và suy nghĩ. Tôi muốn buông bỏ tất cả để lìa đời như những chiếc lá úa vàng ngoài kia. 

- Bạn hãy cố gắng ngủ một chút đi. Tôi phải gọi ông Behrman lên đây để làm người mẫu cho hình ảnh của một ông thợ mỏ già cô độc. Tôi chỉ cần ra ngoài một vài phút. Bạn đừng di chuyển cho đến khi tôi trở lại.

Behrman là một hoạ sĩ già, đã ngoài sáu mươi với một bộ râu như Michael Angelo, sống ở tầng trệt, bên dưới Johnsy và Sue. Ông ta là một hoạ sĩ thất bại, với bốn mươi năm cầm cọ mà vẫn chưa thành danh. Trong vài năm qua ông ta chẳng vẽ được gì, mà xoay qua làm người mẫu cho các hoạ sĩ trẻ sống trong khu vực này, vì họ không có đủ tiền để mướn người mẫu chuyên nghiệp. Ông ta lúc nào cũng say mèm và nói về tuyệt tác phẩm sẽ hoàn tất của mình. Đối với người ngoài thì ông ta là một người dữ dằn, hay chế diễu những người có tánh mềm mỏng, và tự xem mình là một người có nhiệm vụ bảo vệ cho hai hoạ sĩ trẻ sống ở từng trên.

Sue tìm thấy Behrman, nặc nồng mùi rượu, trong căn phòng có ánh sáng lờ mờ bên dưới. Ở một góc phòng là một khung vải trống trên giá vẽ đã chờ đợi ở đó từ hai mươi lăm năm để nhận được nét cọ đầu tiên của một kiệt tác. Sue kể cho ông ta nghe về ý nghĩ của Johnsy về những chiếc lá và sợ rằng cô ta cũng sẽ nhẹ nhàng và mỏng manh như một chiếc lá, rơi xuống, khi sự nắm giữ của cô ấy đối với thế giới ngày càng yếu đi.

Ông già Behrman, với đôi mắt đỏ ngầu, lớn tiếng nói những lời không đầy đủ ý nghĩa, của một người say:

- A, sao trên đời này lại có kẻ ngu ngốc nghĩ là mình sẽ chết theo những chiếc lá khô rụng xuống. Tôi chưa từng nghe đến điều này. Tôi không muốn làm người mẫu cho cô vẽ một anh thợ mỏ già ngớ ngẩn. Tội nghiệp cho cô bé Johnsy.

Sue giải thích:

- Johnsy đang bị bệnh nặng, tâm thần mệt mỏi, những cơn sốt khiến cô ta có những ảo tưởng kỳ lạ. Ông không muốn làm người mẫu cho tôi thì cũng không sao. Thế nhưng tôi vẫn thấy ông mang hình ảnh của một ông già khó tánh, lắm mồm.

 - Đúng là giọng điệu của đàn bà. Ai bảo tôi không dám làm người mẫu? Tôi sẽ đến phòng vẽ của cô trong vòng nửa giờ. Thật tội nghiệp cho Johnsy bị nhiễm bệnh. Một ngày nào đó tôi sẽ hoàn tất một kiệt tác, và chúng ta đều sẽ biến mất. Vâng, đúng vậy ...

Johnsy vẫn đang ngủ khi Sue và ông già Behrman lên đến phòng. Sue kéo tấm màn che cửa sổ xuống và ra dấu cho ông Behrman qua phòng kế bên. Từ căn phòng này họ lo lắng nhìn vào các cành dây leo bám trên bức tường của căn nhà kế bên. Rồi họ quay lại nhìn nhau không nói một lời, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Ngài kia, những giọt mưa hoà lẫn với tuyết đang rơi tạo nên một cái lạnh cắt da buồn thảm. Ông Behrman, trong chiếc áo cũ kỹ màu xanh, lấy thế ngồi trên chiếc ghế làm mẫu để Sue vẽ một ông già thợ mỏ ngồi trên tảng đá.

Sáng hôm sau Sue thức dậy sau một giờ chợp mắt, thấy Johnsy với đôi mắt thất thần mở to nhìn trừng trừng vào cái màn che cửa sổ, giọng thều thào:

- Kéo cái màn che lên ... Tôi muốn nhìn ...

Sue uể oải đứng dậy kéo tấm màn che cửa sổ lên.

Thật bất ngờ, sau một đêm dài mưa gió lạnh buốt, trên bức tường bên ngoài cửa sổ vẫn còn một chiếc lá của dây leo. Một chiếc lá cuối cùng, viền lá đã ngả màu hơi vàng nhưng cuống lá vẫn còn xanh bám chặt vào dây leo.

- Đó là chiếc lá cuối cùng ... Tôi nghĩ là nó đã rụng tối hôm qua ... Tôi nghe tiếng gió. Thể nào nó cũng sẽ rụng ngày hôm nay, và tôi cũng sẽ chết cùng một lúc với nó.

Sue ghé đầu xuống chiếc gối của Johnsy, vẻ mặt mệt mỏi:

- Bạn mến, nếu bạn không còn nghĩ đến mình thì hãy nghĩ đến tôi. Nếu ở địa vị của tôi thì bạn sẽ làm gì?

Nhưng Johnsy không trả lời. Một tâm hồn cô độc đang nghĩ về một hành trình xa thẳm đầy bí ẩn. Cái ý tưởng đó đã chiếm đoạt sự suy nghĩ của cô ta khiến những sợi dây ràng buộc cô ta với tình bạn và đời sống đang bị nới lỏng dần.

Ngày dần trôi qua, và đến lúc chạng vạng họ vẫn còn nhìn thấy chiếc lá duy nhất vẫn còn bám vào thân dây leo trên tường. Và sau đó, khi đêm đến, gió Bắc một lần nữa thổi qua, trong khi mưa vẫn đập vào cửa sổ và rơi xuống những mái hiên bên dưới.

Khi ngoài trời đã đủ sáng, Johnsy lại lạnh lùng yêu cầu tấm màn che cửa sổ được kéo lên.

Chiếc lá duy nhất vẫn còn đó.

Johnsy nằm nhìn nó một lúc lâu. Và sau đó cô ấy gọi Sue, lúc đó đang khuấy nồi nước súp gà trên chiếc bếp ga.

"Sudie," Johnsy thân mật gọi Sue, "tôi quả là một cô gái xấu tánh. Có điều gì đó đã khiến chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó, như để cho tôi thấy rằng tôi đã yếu đuối như thế nào. Thật là tội lỗi khi muốn chết. Bây giờ bạn có thể cho tôi một ít súp gà, và một ít sữa với một ít thịt, và ... thôi, hãy đem cho tôi một chiếc gương soi nhỏ, và độn vài cái gối sau lưng để tôi có thể ngồi xem bạn nấu ăn."

Một giờ sau, cô ta nói:

- Sudie, một ngày nào đó tôi hy vọng sẽ được vẽ khung cảnh của Vịnh Naples.

Vị bác sĩ ghé qua vào buổi chiều, và Sue lấy cớ để ra ngoài hành lang khi ông ta rời phòng. Nắm lấy bàn tay gầy guộc và run rẩy của Sue trong tay mình, ông nói:

- Thật là một cơ hội tốt cho cô ấy. Với sự chăm sóc tận tâm, cô sẽ thắng. Và bây giờ tôi phải ghé thăm một bệnh nhân khác ở tầng dưới. Tên ông ta là Behrman, dường như là một hoạ sĩ. Cũng bị viêm phổi. Ông ta là một người già, sức yếu, và bị lên cơn nặng. Thật không có hy vọng gì cho ông ta cả; nhưng tôi sẽ đưa ông ta vào bệnh viện hôm nay để ông ta được dễ chịu hơn.

Ngày hôm sau vị bác sĩ nói với Sue:

- Bạn của cô đã qua khỏi sự nguy hiểm. Cô đã chiến thắng. Bây giờ chỉ cần chăm sóc và bồi bổ mà thôi.

Chiều hôm đó, Sue đến bên giường Johnsy đang nằm, ôm chặt lấy người bạn thân.

- Tôi có điều này để nói với bạn. Hôm nay ông Behrman đã chết trong bệnh viện vì sưng phổi. Ông ta mới chỉ ngã bệnh có hai ngày. Người thu dọn đã tìm thấy ông ta trong ngày đầu trong phòng của ông ta khi đang cố gắng chống chỏi một cách tuyệt vọng với sự đau đớn. Giày và quần áo của ông ta ướt sũng và lạnh cóng. Không ai có thể tưởng tượng được ông ta đã ở đâu trong một đêm giá rét kinh hoàng như vậy. Và rồi họ tìm thấy chiếc đèn bão vẫn còn sáng, và chiếc thang, cùng với một vài cây cọ vẽ nằm rải rác và một bảng màu pha trộn giữa màu xanh lá cây và màu vàng trên đó, và hãy nhìn qua cửa sổ, Johnsy, chiếc lá cuối cùng trên tường. Bạn có ngạc nhiên tại sao nó không lay động khi có gió thổi không? Đó chính là tuyệt tác phẩm của ông Behrman, ông ấy đã vẽ nó ở đó trong đêm chiếc lá cuối cùng rơi xuống đất.

Bùi Phạm Thành
ngày 5 tháng 5 năm 2021

Nguyên tác: The Last Leaf by O. Henry - viết năm 1907



No comments

Powered by Blogger.