Header Ads

The Odyssey - Hành Trình Hồi Hương - Sử Thi Thứ Hai của Đại Thi Hào Homer



Phạm Văn Tuấn

I/ Về Tác Giả.

Hai cuốn sử thi The Iliad (Trận Chiến Thành Troy) và The Odyssey (Hành Trình Hồi Hương) đã được sáng tác gần 2,500 năm về trước, là hai tác phẩm rất danh tiếng và đã được rất nhiều người đọc nhưng mọi người đều không biết rõ ai đã sáng tác ra hai tác phẩm này, vào năm nào và trong trường hợp nào. Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán về tác giả căn cứ vào các nghiên cứu sau này của các học giả.

Các người Hy Lạp vào thế kỷ thứ 3 và thứ 2 trước Công Nguyên (CN) đã đặt vấn đề là liệu thực sự đã có thi sĩ Homer hay không và 2 thi phẩm kể trên phải chăng được viết ra do cùng một tác giả?

Có thể rằng tác giả là một thi sĩ cổ người Hy Lạp (Greek bard) có lẽ đã sinh sống vào cuối thế kỷ thứ 8 và đầu thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên (CN) và các nhà sử học tin rằng đây là một thi sĩ mù tên là Homer, là tác giả của Sử Thi Iliad (Trận Đánh Thành Troy) và Sử Thi Odyssey (Trở về Cố Hương) và “Các bài hát ca ngợi của Homer” (The Homeric Hymns), đây là các bài thơ ca tụng các thiên thần Cổ Hy Lạp.

Các học giả hiện đại tin tưởng rằng nếu có một nhà thơ viết ra 2 sử thi này thì công trình này cũng mang nợ loại thơ truyền khẩu, không được viết ra của các câu chuyện xa xưa. Các câu chuyện về các cuộc viễn chinh rực rỡ tới miền Đông và cuộc hành trình mang tính định mệnh của các chiến sĩ đã được phổ biến tại xứ Hy Lạp hàng trăm năm trước khi 2 cuốn sử thi Iliad và Odyssey được sáng tác.

Các người kể chuyện thông thường và các ca sĩ hát rong thời Trung Cổ (minstrels) đã truyền các câu chuyện này qua nhiều thế hệ, mỗi nghệ sĩ lại khai triển và làm đẹp câu chuyện khi kể lại. Theo lý thuyết này thì một thi sĩ, hay rất nhiều thi sĩ, đã cộng tác với nhau để truyền lại các chuyện kể trở thành tác phẩm được viết ra giấy mỗi lần sửa đổi, thêm bớt, khiến cho câu chuyện đã trở nên hoàn hảo hơn.

Căn cứ vào các chi tiết lịch sử, khảo cổ và ngôn ngữ, các học giả đã tin rằng 2 cuốn sử thi Iliad và Odyssey được sáng tác giữa các năm 750 và 650 trước CN, trong thời đại đồ đồng (the Bronze Age). Vào thuở ban sơ này, người Hy Lạp tin tưởng rằng có các thiên thần lảng vảng trên mặt đất với các đặc tình siêu nhiên. Vào thời đại này, người Hy Lạp được gọi là người “Achaeans”, đây là tên của một bộ lạc lớn nhất ngự trị trên miền đất Hy Lạp vào thời đại đồ đồng.

Hiện nay mặc dù có 7 thành phố khác nhau tại Hy Lạp nhận làm nơi sinh của nhà thơ Homer nhưng nhiều người cho rằng ông Homer đã chào đời trên hòn đảo Chios ở phía ngoài của bờ biển phía tây của miền Tiểu Á (Asia Minor) bởi vì đã có một gia đình gồm nhiều con cháu mang họ Homer.

Ngoài ra thi sĩ Homer đã sáng tác các tác phẩm gồm bên trong dùng tiếng địa phương Ionic và Acolic cho nên các học giả tin rằng ông ta đã là cư dân tại phía tây của miền Tiểu Á. Có thể ông Homer đã là một nhà thơ cổ (a bard) hay một nhà sử thi (a rhapsode) và theo truyền thống thì các nhà thơ Cổ Hy Lạp thường bị mù, họ thường đi chu du các nơi và đọc thơ nhân gian cho quần chúng thưởng thức.

Thi sĩ Homer đã tạo dựng lại câu chuyện và dùng tới các thực tế của thế kỷ thứ 8 và thế kỷ thứ 7 trước CN. Cấu trúc xã hội phong kiến của tác phẩm Odyssey có vẻ thân thuộc với xứ Hy Lạp của Homer và tác giả này đã dùng các vị thần của thời đại của ông ta.

Trong 2 cuốn sử thi, Odyssey là tác phẩm sau. Iliad kể lại câu chuyện người Hy Lạp đã chiến đấu để cứu Nữ Hoàng Hy Lạp tên là Helen khỏi các kẻ bắt giữ Trojans. Sử thi Odyssey bắt đầu khi kinh thành Troy sụp đổ rồi sau đó là các phấn đấu của vị anh hùng Odysseus.

Sau khi chiến thắng các người Trojans, người hùng Odysseus đã phải mất 10 năm trường để đi lang thang, không phải trên các mặt trận mà tới các hải đảo và xứ sở xa lạ và độc giả đã tìm thấy trong truyện các vấn đề khôi hài hay siêu thực. Tính chất này khiến cho các học giả kết luận rằng Homer đã viết ra tác phẩm Odyssey vào phần cuối của cuộc đời của ông, khi mà ông ta không còn quan tâm tới các vụ xung đột võ trang và tác phẩm đã chuyên chú vào các sự may mắn và phiêu lưu của một người cô đơn.

Một giả thuyết khác lại cho rằng có một tác giả nào đó đã sáng tác ra tác phẩm Odyssey đồng thời với tác phẩm Iliad với các điều quan tâm khác với cuốn Iliad ra đời trước đó, bởi vì chủ đề và đôi tượng đã khác nhau nếu viết ra do cùng một tác giả. Vài học giả khác lại tin rằng 2 tác phẩm này đã được sáng tác bởi một nhóm các nhà thơ. Sự tranh luận này vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.

Tuy nhiên trong các thế kỷ vừa qua, các ý kiến thường nghiêng về một tác giả bởi vì nếu cứu xét Đại Văn Hào người Anh William Shakespeare thì 2 tác phẩm Vua Lear (King Lear) và Bão Tố (The Tempest) đã đã đề cập tới 2 nhà vua tương phản khác nhau.

Giống như cuốn sử thi Iliad, tác  phẩm Odyssey được viết ra bằng thổ ngữ Ionic của xứ Hy Lạp cổ và ngôn ngữ này được dùng trên các hải đảo Aegean và miền đất định cư nơi bờ biển của người Hy Lạp cổ tại miền Tiểu Á (Asia Minor) mà bây giờ là nước Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey).

Hai cuốn sử thi Iliad và Odyssey của Homer thì “thuần Hy Lạp” (panhellenic) về tư tưởng và sự kiện, và dùng thể văn của nhiều ngôn ngữ địa phương, điều này chứng tỏ rằng Homer đã dùng tiếng địa phương nào thích hợp nhất với ý tưởng của tác giả.

II/ Các nhân vật trong Sử Thi Odyssey.

Odysseus và Penelope

1/ Odysseus:
  là nhân vật chính trong truyện Odyssey (Hành Trình Hồi Hưong). Odysseus đã chiến đấu cùng với các anh hùng Hy Lạp tại Kinh Thành Troy rồi sau đó phải phấn đấu để trở về vương quốc của ông ta tại Ithaca.

Odysseus là người chồng của Hoàng Hậu Penelope và là người cha của Hoàng Tử Telemachus. Dù là một chiến sĩ dũng mãnh và can đảm, Odysseus cũng nổi tiếng về sự khôn ngoan. Odysseus được nữ thần Athena ưa chuộng, nữ thần này thường giúp đỡ Odysseus nhưng ông ta lại là kẻ thù gay gắt của thần Poseidon là vị thần làm cho Odysseus gặp nhiều thất bại mỗi khi mưu sự.

2/ Telemachus: là con trai của Odysseus. Khi Odysseus ra đi để chiến đấu tại kinh thành Troy, Telemachus còn là một đứa bé nhưng khi câu chuyện bắt đầu, Telemachus đã được 20 tuổi.

Telemachus là trở ngại chính cho các kẻ cầu hôn Hoàng Hậu Penelope và mặc dù can đảm và có lòng tốt, lúc đầu Telemachus đã thiếu sự bình tĩnh và tự tin để đối phó với các kẻ cầu hôn. Sau các chuyến đi tới Pylos và Sparta, Telemachus đã trưởng thành thêm và thường được nữ thần Athena giúp đỡ.

3/ Penelope: là người vợ của Odysseus và là mẹ của Telemachus. Penelope trải qua các ngày tháng trong lâu đài, chờ đợi người chồng đã rời kinh thành Troy trong 20 năm về trước và chưa trở lại. Homer mô tả Penelope là người đôi khi nông nổi và nhẹ dạ nhưng cũng khéo léo và là người kiên định, trung thành với người chồng.

4/ Athena: là con gái của Thần Zeus và là nữ thần của sự khôn ngoan, của các trận mạc có chủ đích và các nghệ thuật thuộc về phụ nữ. Athena đã giúp đỡ Odysseus và Telemachus bằng các sức mạnh thần linh trong suốt cuộc hành trình và nói lời bênh vực hai người này tại các hội đồng của các thiên thần trên Núi Olympus. Nữ thần này xuất hiện với dạng của Mentor, là một người bạn cũ của Odysseus.

5/ Poseidon: là thần của biển khơi. Poseidon là một vị thần linh chính trong truyện. Vị thần này ghét Odysseus bởi vì Odysseus đã làm mù mắt đứa con của Poseidon là Cyclops Polyphemus và Poseidon luôn luôn làm cản trở cuộc hành trình trở về nhà của Odysseus. Nhưng Poseidon lại là chủ nhân đỡ đầu các người Phaeacians.

6/  Zeus: là Vua của các vị thần linh và con người, là nhân vật đứng giữa các tranh chấp của các vị thần trên Núi Olympus. Thần Zeus đôi khi được coi là nhân vật đã cân đo số mệnh của con người bằng cái cân của ông ta. Thần Zeus cũng đã giúp đỡ Odysseus hay cho phép nữ thần Athena làm cùng thứ công việc này.

7/ Antinous: là người cầu hôn Penelope và cũng là người kiêu ngạo nhất. Antinous là người đứng đầu kế hoạch giết Telemachus. Không giống như các kẻ cầu hôn khác, Antinous không bao giờ được mô tả là người có thiện cảm và hắn ta là người đầu tiên bị chết khi Odysseus trở về.

8/ Eumaeus: là người chăn cừu trung thành đã cùng người chăn bò tên là Philoetius giúp Odysseus đoạt lại ngai vàng sau khi ông ta trở về Ithaca. Mặc dù không biết kẻ lang thang tới túp lều của anh ta chính là Odysseus, Eumaeus vẫn cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn.

9/ Eurycleia: người đầy tớ già và trung thành đã nuôi Odysseus và Telemachus khi còn là các em bé nhỏ. Eurycleia đã biết rõ âm mưu tại lâu đài, đã giữ kín chuyến đi xa của Telemachus mà không cho Penelope biết rồi về sau, lại giữ bí mật dấu tích của Odysseus sau khi bà ta nhận ra vết sẹo trên chân của Odysseus.

10/ Calypso: nữ thần xinh đẹp đã yêu thương Odysseus khi ông này lên bờ tại hòn đảo Ogygia của cô ta. Calypso đã lưu giữ Odysseus 7 năm cho tới khi Hermes là thần đưa tin tới và khuyên nhủ cô ta nên để Odysseus ra đi.

11/ Polyphemus: một trong các người khổng lồ một mắt cư ngụ trên hòn đảo mà Odysseus đã đến đầu tiên sau khi rời kinh thành Troy.

Polyphemus đã giam giữ Odysseuss và các thủy thủ, và đã dự định ăn thịt tất cả bọn nhưng Odysseus đã khéo léo làm cho Polyphemus bị mù rồi tìm cách trốn thoát. Do sự việc này, Odysseus đã chọc giận cha của Polyphemus là thần Poseidon.

12/ Circe: là nữ thần phù thủy xinh đẹp đã biến các thủy thủ của Odysseus thành các con lợn khi Odysseus bước lên hòn đảo của mụ ta. Với sự giúp đỡ của thần Hermes, Odysseus đã chống lại được quyền lực của Circe rồi trở nên người tình của nữ thần phù thủy này. Odysseus đã sinh sống với Circe trong cảnh sa hoa trong một năm trường.

13/ Laertes: là người cha già của Odysseus, sinh sống trong một nông trại tại Ithaca. Bị thất vọng vì sức khỏe suy giảm nhưng ông già Laertes đã lấy lại tinh thần khi Odysseus trở về rồi sau này, đã giết chết cha của Antinous.

14/ Nestor: Vua của xứ Pylos, trước kia là chiến sĩ trong Trận Chiến Thành Troy. Giống như Odysseus, Nestor nổi tiếng là người nói khéo. Telemachus lại gặp Nestor trong quyển số 3 để hỏi tin tức về người cha của mình nhưng Nestor chỉ biết sơ sơ về nơi ở của Odysseus.

15/ Menelaus: Vua của xứ Sparta, là anh của Amagemnon và là chồng của Helen. Menelaus là người dẫn đầu của các quân sĩ Hy Lạp trong Trận Chiến Thành Troy. Menelaus đã giúp đỡ Telemachus trong việc vị Hoàng Tử này đi tìm kiếm người cha.

16/ Nausicaa: là người con gái xinh đẹp của Vua Aleinous và Hoàng Hậu Arete của các người Phaeacians. Nausicaa tìm thấy Odysseus trên bờ biển tại Scheria, đã cảm mến Odysseus và tiếp đón Odysseus nồng hậu tại lâu đài của cha mẹ nàng.

III/ Cốt Truyện.

10 năm đã trôi qua từ khi kinh thành Troy bị chiếm đóng và người anh hùng Hy Lạp Odysseus còn chưa thể trở về kinh đô cũ tại Ithaca. Một đám đông lộn xộn gồm những người cầu hôn với Hoàng Hậu Penelope đã tràn ngập lâu đài của Odysseus và họ cũng đang tìm cách cướp phá đất đai nhưng Penelope vẫn giữ lòng trung thành với người chồng là Odysseus.

Telemachus
Con trai của Odysseus là Hoàng Tử Telemachus rất muốn đuổi bọn người kể trên ra khỏi tòa lâu đài, nhưng Hoàng Tử lại không đủ tự tin và kinh nghiệm để đối phó với họ. Một trong các kẻ cầu hôn tên là Antinous đã dự mưu ám sát Hoàng Tử trẻ, đã loại được các kẻ chống đối tại lâu đài hoàng gia.

Trong khi đó, Odysseus hãy còn sống mà các kẻ cầu hôn kia đều không biết. Odysseus bị nữ thần trẻ đẹp Calypso, vì yêu thương chàng, đã giam giữ chàng Odysseus trên hòn đảo Ogygia. Odysseus rất muốn trở về cố hương với vợ và con nhưng chàng không có tầu biển, không có thủy thủ giúp cho chàng vượt thoát.

Trong khi đó các vị thiên thần nam và nữ trên Núi Olympus đã tranh luận về tương lai của Odysseus. Trong số các vị thần này, có nữ thần Athena là nữ thần ủng hộ Odysseus mạnh mẽ nhất nên đã quyết định giúp đỡ Telemachus. Cải trang làm ông nội Laertes của vị Hoàng Tử, nữ thần Athena đã thuyết phục được Hoàng Tử Telemachus triệu tập một buổi họp rồi khi đó Hoàng Tử sẽ khiển trách các kẻ cầu hôn.

Athena
Nữ thần Athena cũng giúp Hoàng Tử chuẩn bị một cuộc hành trình dài lâu, đi tới Pylos và Sparta, tại các nơi này có Vua Nestor và Menelaus là các chiến hữu của Odysseus trong thời gian chiến tranh, để Hoàng Tử báo tin cho họ biết rõ rằng Odysseus vẫn còn sống và bị sa vào bẫy trên hòn đảo của Calypso.

Khi Hoàng Tử Telemachus dự tính trở về nhà tại Ithaca thì Antinous và vài kẻ cầu hôn khác trù liệu sẽ phục kích giết Hoàng Tử khi chàng về bến cảng.

Trên Núi Olumpus, Thần Zeus phái nữ thần Hermes đi cứu Odysseus khỏi sự giam hãm của Calypso. Hermes đã thuyết phục được nữ thần Calypso để cho Odysseus đáp một con tầu rồi ra đi. Vị anh hùng nhớ nhà này đã ra khơi nhưng thần Poseidon, vị thần của biển khơi, đã nhìn thấy Odyssey dương buồm về nhà, bèn tạo ra một trận bão để Odysseus bị đắm tầu. Poseidon đã có một mối hận thù với Odysseus bởi vì vị anh hùng này đã làm mù đứa con của ông ta, tức là Cyclops Polyphemus trong chuyến viễn du trước kia của Odysseus. Nữ thần Athena bèn can thiệp để cứu Odysseus khỏi cơn thịnh nộ của Poseidon nên Odysseus đã lên bờ được tại Scheria là miền đất quê hương của giống người Phaeacians.

Tại Scheria, Công Chúa của xứ Phaeacians tên là Nausicaa đã đưa Odysseus đi coi lâu đài hoàng gia và Odysseus đã được Vua và Hoàng Hậu của xứ sở này đón tiếp nồng hậu. Tới khi Odysseus cho họ biết gốc gác của mình thì Vua và Hoàng Hậu đều ngạc nhiên bởi vì họ đã được nghe kể về Trận Chiến tại Kinh Thành Troy. Nhà Vua xứ Phaeacians hứa hẹn sẽ giúp Odysseus trở về Ithaca một cách an toàn nhưng đầu tiên họ đã yêu cầu Odysseus kể lại các cuộc viễn du của ông ta.

Odysseus đã kể lại trong nhiều đêm về các biến cố đã đưa đẩy ông ta tới hòn đảo của Calypso, thuật lại cuộc ra đi tới xứ sở của các kẻ ăn hoa sen (the land of the Lotus Eaters), cuộc chiến với Polyphemus the Cyclops, câu chuyện tình yêu với nữ thần phù thủy Circe, sự cám dỗ của các yêu quái giết người Sirens, cuộc hành trình đi tới xứ Hades để hỏi ý kiến của nhà tiên tri Tiresias về cuộc chiến với con quái vật biển khơi Scylla.

Khi Odysseus kể xong các câu chuyện, Vua xứ Phaeacians đã giúp đỡ Odysseus trở lại Ithaca, tại nơi này, ông ta đã tìm ra túp lều của người chăn lợn trung thành tên là Eumaeus.
Dù cho nữ thần Athena đã hóa trang Odysseus thành một tên hành khất, Eumaeus vẫn niềm nở đón tiếp và nuôi ăn Odysseus trong túp lều của anh ta. Odysseus cũng đã gặp lại Telemachus sau khi vị Hoàng Tử này trở về từ xứ Pylos và Sparta mặc dù đã bị phục kích bởi các kẻ cầu hôn.

Odysseus đã để lộ rõ bản thân chân thật của mình. Odysseus và Telemachus bèn trù tính cách giết hết các kẻ cầu hôn và lấy lại quyền kiểm soát Ithaca.

Zeus
Ngày hôm sau, khi Odysseus đi tới lâu đài và còn cải trang thành một tên hành khất, ông ta đã phải chịu đựng sự lăng nhục của các kẻ cầu hôn. Người duy nhất nhận ra Odysseus là bà vú già Eurycleia, nhưng bà già này thề sẽ không tiết lộ bí mật. Penelope thì quan tâm tới tên hành khất xa lạ, nghi ngờ rằng người này có thể là người chồng đã bị thất lạc từ lâu.

Penelope rất khôn khéo, đã tổ chức một cuộc thi bắn cung vào ngày hôm sau và hứa sẽ kết hôn với người đàn ông nào có thể dùng cây cung lớn của Odysseus rồi bắn tên qua 12 trục (axes) bánh xe, một thành tích vẻ vang mà chỉ có Odysseus là có thể hoàn thành.

Tại cuộc thi, các kẻ cầu hôn đều cố gắng bắn cung nhưng tất cả đều đã thất bại. Odysseus bước tới, cầm cây cung lên và với cố gắng rất nhỏ, đã bắn qua 12 trục xe rồi sau đó, Odysseus hướng cây cung về phía các kẻ cầu hôn. Với sự trợ giúp của các người đầy tớ trung thành, Odysseus và Telemachus đã giết các kẻ cầu hôn tới người cuối cùng.

Odysseus đã tự mình bày tỏ với mọi người trong lâu đài và đoàn tụ với người vợ thương yêu Penelope. Ông ta đã đi tới miền ven đô của kinh thành Ithaca để thăm viếng người cha già Laertes. Họ đã bị gia đình của các kẻ cầu hôn bị giết tấn công báo thù, nhưng Laertes, được cường tráng trở lại vì người con trai đã trở về, đã giết chết người cha của tên Antinous và kết thúc cuộc tấn công.

Thần Zeus đã phái nữ thần Athena phục hồi lại cảnh hòa bình. Cùng với quyền lực được vững vàng và gia đình đoàn tụ, các cuộc thử thách lâu dài của Odysseus đã tới hồi kết thúc.

IV/ Nhận xét về các nhân vật trong truyện.

Odysseus: đây là một nhân vật có tài lãnh đạo với các đặc tính là sức mạnh, can đảm,
thuộc về quý tộc, khao khát vinh quang và tin tưởng vào quyền lực của mình. Các tính chất đặc biệt nhất của Odysseus là rất thông minh, nhanh trí, nhờ vậy ông ta đã vượt thoát ra khỏi căn hầm của tên khổng lồ Cyclops (sách 9) hay đã che dấu các kẻ bị giết chết bằng cách yêu cầu người nhạc sĩ hát rong nổi lên nhạc điệu của đám cưới (sách 23).

Odysseus còn là người biết ăn nói dịu dàng, có thể dễ dàng thuyết phục người nghe, chẳng hạn khi ông ta mới gặp công chúa Nausicaa trên hòn đảo Scheria, lời nói ngọt ngào và thuyết phục đã lấy được lòng tin của công chúa.

Giống như các anh hùng trong truyện của Homer, Odysseus ước muốn có được vinh quang do các hành động của mình và vẫn mong muốn trở về quê nhà. Khi gặp gỡ và vui hưởng đời sống sa hoa với nàng ngư nữ trẻ đẹp Calypso, Odysseus vẫn muốn trở về với người vợ ngày xưa dù cho người vợ này không thể xinh đẹp bằng nàng Calypso.

Khi mới bắt đầu cuộc hành trình hồi hương, Odysseus đã để lộ nguồn gốc của mình với các người khổng lồ Cyclops và để rồi Thần Poseidon phải nổi giận, nhưng tới phần cuối của cuốn truyện, Odysseus đã biết kiên nhẫn, đã cải trang thành một kẻ ăn mày và đã không hành động vội vã đối với các kẻ cầu hôn của người vợ của mình, đã chịu đựng tới khi các cạm bẫy được đặt xong để rồi ông ta có thể triệt hạ các kẻ thù dễ dàng.

Telemachus: vị hoàng tử trẻ tuổi này còn là một thiếu nhi khi người cha là Odysseus ra
đi để đánh chiếm kinh thành Troy. Telemachus thì tận tụy với mẹ và đã trông coi được phần đất đai của gia đình nhưng anh ta không biết cách đối phó với các kẻ cầu hôn của mẹ mình. Sự gặp gỡ nữ thần Athena đã làm thay đổi mọi sự việc do bởi nữ thần này đã dạy cho Telemachus các trách nhiệm của một vị hoàng tử.

Tài năng của Telemachus thì không thể so sánh với tài năng của người cha là Odysseus nhưng Telemachus cũng là một con người can trường với tinh thần năng động nhưng không biết cách đối đáp lưu loát như Odysseus.

Trong sách 22, Telemachus đã vô tình không khóa chặt căn phòng chứa đựng khí giới khiến cho các kẻ cầu hôn đã có đủ võ khí. Cho tới phần cuối của cuốn truyện, Telemachus đã không thể so sánh với người cha nhưng cũng là một nhân vật xuất sắc.

Penelope: mặc dù đã không được gặp người chồng là Odysseus trong 20 năm và dù
cho bị các kẻ cầu hôn theo đuổi, Penelope vẫn tin tưởng vào người chồng. Penelope là một người đàn bà nông nổi cho nên nữ thần Athena thường giúp đỡ, không để cho bà vợ này tiết lộ về Odysseus và nữ thần Athena còn an ủi Penelope  khi bà này than khóc lúc nửa đêm.

Mặc dù vẫn còn yêu thương Odysseus, Penelope đã không có các quyết định vững vàng trước các kẻ cầu hôn, đã không thẳng thắn từ chối việc kết hôn khiến cho các kẻ cầu hôn tin tưởng rằng Penelope sẽ có một người chồng mới. Tuy nhiên, quyết định kết hôn với người thắng giải trong cuộc thi bắn cung chứng tỏ rằng Penelope vẫn còn tin tưởng rằng chỉ có chồng của mình mới làm nổi công việc này.

Nữ thần Athena: là nữ thần của sự khôn ngoan và chiến tranh. Athena thường giúp đỡ
Odysseus trong nhiều hoàn cảnh khó khăn, chẳng hận như trong vụ đắm tầu (sách 5) hay trong trận đấu không cân xứng với các kẻ cầu hôn (sách 22). Dù vậy, nữ thầ Athena đã không can thiệp trực tiếp vào các vụ tranh đấu của Odysseus cho tới khi chiến thắng.

Athena cũng giúp đỡ Telemachus khi vị nữ thần này gửi vị hoàng tử trẻ tuổi đến các xứ Pylos và Sparta để cho chính Telemachus đạt được các thành tích và danh vọng. Trong truyện, Penelope đã không được nữ thần Athena giúp đỡ rõ ràng mà hoàng hậu này chỉ gặp Athena trong giấc mộng.

V/ Nhận xét về Tác Phẩm.

Lòng hiếu khách. Vào thời đại của Homer, lòng hiếu khách thì rất quan trọng trong cách
 đối xử đạo đức tại một thế giới còn nhiều bất trắc như được kể trong cuốn truyện Odyssey.
Đối với các cư dân tại một địa phương nào, các kẻ xa lạ có thể là khả nghi hay an toàn. Các người đi du lịch tới các xứ sở xa xôi đều cần tới một thứ giúp đỡ và các dân tộc văn minh vẫn thường tỏ ra hiếu khách và đặc tính này được coi là một phẩm chất của con người và họ mong rằng đồng bào của họ cũng sẽ được đối xử tử tế khi đi xa.

Với xã hội còn sơ khai như vào thời đại của Homer, các người xa lạ khi tới một địa phương còn có thể mang tới nơi đây các tin tức mà dân địa phương cần theo dõi để biết tới những gì đã xẩy ra ở bên ngoài xã hội của họ.

Tại quê nhà của Odysseus, các kẻ cầu hôn đã lợi dụng lòng hiếu khách là đặc tình địa phương và Penelope cũng như Telemachus đã thiếu sức mạnh để đẩy họ ra ngoài cơ sở của mình, một phần cũng vì các kẻ cầu hôn này đều từ các gia đình giầu có và thế lực tại địa phương.

Trong khi ra đi để tìm con đường trở về quê cũ, Odysseus đã nhận được nhiều giúp đỡ của người dân Phaeaciens và đầu tiên từ Aeolus. Sau khi chinh phục Circe, Odysseus cũng đã nhận được sự giúp đỡ của vị nữ thần trẻ đẹp này.

Sirens
Mặt khác, các nữ thần Sirens là những thần có giọng hát làm say mê và đưa các thủy thủ vào cõi chết và tên khổng lồ Cyclops cũng không có lòng hiếu khách.

Thần Zeus, vua của các thần linh, là người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho tính hiếu khách và đã giúp đỡ các kẻ cầu xin mình.

Lòng trung thành. Một đức tình khác được đề cao trong tác phẩm là lòng trung thành.

Một thí dụ rõ ràng nhất của đức tính này là Penelope, người vợ đã tin tưởng trong 20 năm trường vào sự trở về của người chồng. Người thứ hai là Telemachus, đã đứng bên cạnh cha để chống lại các kẻ cầu hôn. Người vú già ngày xưa của Odysseus là Eurycleia cũng trung thành với Penelope và ông chủ cũ, sau đó phải kể tới Eumaeus, kẻ chăn heo và Philoetius, người chăn bò, cũng là hai nhân vật trong truyện trung thành với ông chủ và tài sản của chủ.

Trái ngược với các nhân vật trung thành kể trên là Melanthius và người tớ gái Melantho. Melanthius đã theo các kẻ cầu hôn và xỉ vả ông chủ cũ trong khi Odysseus cải trang, còn người tớ gái đã ngủ với kẻ thù, không kính trọng hoàng hậu Penelope và nói xấu Odysseus. Cuối cùng là các kẻ trung thành được tưởng thưởng còn các kẻ phản bội bị trừng phạt nặng nề.

Thực ra ở vào thời đại xa xưa đó, những người dưới quyền của Odysseus được coi là tài sản của chủ nhân và ngay cả bà vợ Penelope cũng thuộc về người chồng.

Lòng kiên nhẫn. Odysseus và Penelope là các thí dụ rõ ràng về lòng kiên nhẫn.

Odysseus đã vắng nhà trong 20 năm, 10 năm tại chiến trận Troy và 10 năm trong hành trình trở về quê hương.

Antinous bị chết bởi mũi tên của Odysseus
Theo ý kiến của kẻ cầu hôn hung hăng nhất là Antinous, Penelope đã tránh né các kẻ tán tỉnh mình trong 4 năm bằng cách dùng màn che mặt để tang người cha chồng là Laertes.

Sự kiên nhẫn của Odysseus cũng là một thứ huyền thoại. Trong thời gian đi lang thang (sách 9-12), Odysseus đã can đảm, dùng sức mạnh tinh thần, sự lừa dối và ý chí  cương quyết để mưu cầu cách trở về quê nhà. Có lẽ khó khăn nhất đối với Odysseus trong cách kiên nhẫn là trong 7 năm sinh sống với Calypso, dù cho vị nữ thần này quyến rũ bằng sự sa hoa và tính bất tử, và Odysseus vẫn duy trì tấm lòng mong muốn trở về cố hương.

Poseidon
Sự trả thù. Odysseus và thần Poseidon là hai nhân vật đại diện cho công việc trả thù.

Để có thể thoát ra khỏi hang động của Cyclops (Polyphemus), Odysseus đã chọc mù mắt tên Cyclops nhưng không may, Cyclops lại là con trai của thần Poseidon và như vậy, Odysseus đã gặp phải một kẻ thù đáng ngại. Poseidon có thể giết ngay Odysseus nhưng vì Định Mệnh (the Fates) đã an bài cho Odysseus sẽ trở về cố hưong. Vì thế Poseidon là vị thần của biển khơi, có thể khiến cho Odysseus trở về Ithaca trễ hẹn, đơn độc với các thủy thủ cùng đi bị đắm tầu và với gia đình bị xáo trộn.

Sự trả thù của Odysseus là cách đối xử với các kẻ cầu hôn của Penelope và với các người đầy tớ không trung thành. Odysseus đã chịu đựng sự nhục mạ và xúc phạm của tên cầu hôn Antinous, anh chăn dê Melanthius và người hầu gái Melantho, và mỗi người này đã chịu cảnh chết chóc xứng đáng. Bằng một mũi tên, Odysseus đã bắn trúng cuống họng của Antinous rồi giết kẻ cầu hôn thứ hai bằng mũi tên xuyên qua bụng. Như vậy Odysseus đã trả thù các kẻ cầu hôn và gia nhân bởi vì họ thiếu tôn trọng, thiếu sự trung thành với quyền lực, với tài sản và gia đình của vị vua xứ Ithaca là Odysseus.

Sử Thi Odyssey (Hành Trình Hồi Hương) đã diễn tả rằng sự khôn ngoan được coi trọng hơn sức mạnh, đã trình bày các cạm bẫy, sự căng thẳng giữa các mục tiêu và các ngăn trở, sự khốn khổ khi bị chia ly và sự từng trải sau cuộc hành trình dài hạn.

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org, Britannica Encyclopedia, Cliffsnotes, Sparknotes.

The Odyssey
https://en.wikipedia.org/wiki/Odyssey



Powered by Blogger.