Header Ads

Mỹ Đang Tính Gì Với Trung Hoa, So Với Nhật Trước Đây?


Ngày 13/6/2018 vừa qua, chính quyền Trump cho biết sẽ áp đặt 25% thuế trên 50 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ của Trung Hoa.  Đổi lại, Trung Hoa cũng cho biết họ sẽ trả đũa một cách tương xứng. Trung Hoa còn cho rằng Hoa Kỳ đã "mở ra chiến tranh mậu dịch."

Nhằm tìm hiểu về những gì xảy ra sau những tuyên bố này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị phần chuyển ngữ bài What Is America Doing To China? The Same Things It Did To Japan (1) của Panos Mourdoukoutas đăng trên Forbes ngày 24/6/18.

Huỳnh Thạnh chuyển ngữ

Trong những tháng vừa qua, Washington đã gửi ra một thông điệp rõ ràng và dõng dạc đến Trung Hoa: Quý vị không còn có thể tiếp tục sử dụng thị trường của Mỹ một cách khinh suất được nữa. Quý vị phải phát triển thị trường của quý vị, để làm quân bình sổ sách mậu dịch.

Đó là lý do tại sao Washington đã công bố một loạt các mức thuế đánh lên các sản phẩm nhập cảng từ Trung Hoa.

Thông điệp này không phải là điều mới lạ. Trước đây, cũng một thông điệp tương tự đã được Mỹ gửi đến Nhật Bản vào ngày 22 tháng 9 năm 1985, tại Hiệp ước Plaza.

Đó là lúc nền kinh tế Nhật Bản đang tăng triển bằng những bước nhảy vọt đặt căn bản trên phần thặng dư mậu dịch to lớn với Hoa Kỳ.

Chúng ta nay đã biết đến những gì đã xảy ra trong thời hậu Hiệp ước Plaza. Kết quả là nền kinh tế Nhật Bản đã tiếp tục chao đảo như đang nhào lộn trên con tàu roller coaster nghiêng ngả trên không trung trước khi giảm dần và rơi vào một trạng thái trì trệ kéo dài cho đến ngày hôm nay.

Dù có lần đứng ở vị trí có thể tranh đua để nắm giữ vai trò lãnh đạo thế giới, hiện nay Nhật Bản vẫn còn đang phải đếm lại những thập niên đã mất.

Liệu Trung Hoa có sẽ có cùng chung số phận như vậy hay không? Điều đó chưa được rõ. Trung Hoa không phải nhận chịu những vấn đề dân số học (demographic problems, thí dụ như tỉ lệ dân số có tuổi già cao, hoặc ít sinh đẻ) như Nhật Bản; những điều này đã cộng thêm vào gánh nặng của những tai ương cho sự tăng trưởng kinh tế của Nhật. Nhưng mặt khác, Trung Hoa cũng không có được một lực đẩy vươn tới trước bởi sáng kiến (innovation drive) như Nhật Bản, mà lực đẩy đó dùng để vượt qua được “nút chặn giới trung lưu” (middle-income trap).

Các Số Đo Của Trung Hoa (China’s Key Metrics - Source: Tradingeconomics 6/23/18)
Tỉ lệ của tốc độ tăng trưởng của GDP (GDP Annual Growth Rate) 6.8% của GDP
Tỉ lệ của tài khoản hiện tại với GDP (Current Account to GDP)  (2) 1.3% của GDP
Tỉ lệ của nợ của chính quyền với GDP (Government Debt To GDP) 44.3% của GDP
Tỉ lệ của ngân sách quốc gia với GDP (Government Budget to GDP) -3.5% của GDP

Những số đo trên cho thấy đó là tình trạng của một quốc gia đang ở vào giai đoạn phát triển và  không còn có thể tiếp tục duy trì tỉ lệ tăng trưởng cao chỉ bằng cách sao chép kỹ thuật của các nước ngoài và đem kết hợp chung với sức lao động có mức lương thấp (low-wage labor).

Tuy nhiên, Trung Hoa có một thị trường tiêu dùng nội địa với một tiềm năng to lớn. Nhưng tiềm năng đó vẫn sẽ chỉ là một tiềm năng không được khai thác cho đến khi nào Trung Hoa phát triển được các định chế (institutions) và chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế tiêu thụ. Chẳng hạn như chuyển hướng cho vay tiền ngân hàng từ các khu vực mà tỉnh và thành phố sở hữu sang qua khu vực tiêu thụ.

Điều này thì nói dễ hơn làm, vì một vài lý do. Một trong số các lý do đó là các ngân hàng của Trung Hoa rút cuộc lại vẫn do chính quyền làm chủ (government-owned). Điều này có nghĩa là tín dụng được phân phối dựa trên yếu tố chính trị (political mandate) chứ không phải là trên yếu tố thị trường (market forces). Các khoản vay ngân hàng rút cuộc sẽ rơi vào tay của các Doanh nghiệp nhà nước (State Owned Enterprise), các Doanh nghiệp Thành phố & Làng xã (Town Village Enterprises), và các nhà phát triển đất đai để hoàn thành mục tiêu đã được các công đoàn và các quan chức nhà nước đề ra.

Một lý do khác nữa là hệ thống chăm sóc sức khỏe và phúc lợi (welfare and healthcare system) của Trung Hoa vẫn còn kém phát triển, điều này đã buộc các gia đình phải tiết kiệm ở một tỉ lệ cao (và do vậy ít bỏ tiền ra cho việc tiêu dùng).

Rồi đến món nợ của Trung Hoa, với tỉ số chính thức được công bố là 48.5% - mặc dù con số thực sự của món nợ là bao nhiêu, thì cũng không ai biết chắc. Các số liệu được chính thức công bố không bao gồm phần nợ của khu vực của chính quyền rộng lớn hơn, gồm có các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp thành phố & làng xã và những quỹ nghỉ hưu.

Trong khi vẫn không được rõ là Trung Hoa có đi theo số phận của người Nhật hay không, nhưng có một điều rất rõ ràng: Trung Hoa không giống y như Nhật Bản khi nói đến việc nhượng bộ áp lực từ nước ngoài. Ngay cả khi điều đó xảy đến sẽ gây ra cho họ một tổn phí to lớn. Ít nhất đó cũng là những gì đã được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử của họ.

Không giống như Nhật Bản, các chế độ của Trung Hoa đã từng đối đầu với các thương nhân nước ngoài trước đây. Và nếu họ cảm thấy bị đe dọa, họ sẽ làm y hệt như các lần trước.

Liệu rằng các thị trường tài chánh có sẵn sàng để chịu đựng nổi điều đó không?

Huỳnh Thạnh

Chú Thích
 
(1)  Nguồn của bản dịch: www.forbes.com/sites/panosmourdoukoutas/2018/06/24/what-is-america-doing-to-china-the-same-things-it-did-to-japan/#1ae434232c8e
(2) Theo www.focus-economics.com/economic-indicator/current-account-balance: 
Tài khoản hiện tại (Current Account) gồm có 3 phần:
  1. Quyết toán mậu dịch (trade balance): sự sai biệt giữa tổng giá trị xuất cảng và tổng giá trị nhập cảng hàng hóa và dịch vụ.
  2. Tổng thu nhập sau cùng (net factor income): sai biệt giữa lợi tức đầu tư (return on investment) của công dân đang ở nước ngoài và tiền trả cho nhà đầu tư nước ngoài đang ở trong nước.
  3. Tổng số tiền mặt được chuyển (net cash transfer): tất cả các thành phần trên được đo bằng tiền tệ trong nước.
Khi phần quyết toán (balance) của tài khoản hiện tại của một quốc gia là:
  1. Số dương, còn gọi là phát sinh thặng dư - incurring a surplus: quốc gia đó cho thế giới vay. 
  2. Số âm, còn gọi là thâm thủng - deficit: quốc gia đó vay nợ của thế giới.  
Tỉ lệ giữa phần quyết toán (balance) của tài khoản hiện tại với tổng sản lượng quốc gia (hoặc% GDP) cho thấy mức độ cạnh tranh quốc tế của quốc gia đó.
Powered by Blogger.