Header Ads

Lịch Sử Nước Pháp - Phần 1: Từ Thời Lập Quốc Đến Nền Cộng Hòa Thứ Ba


Phạm Văn Tuấn

1/ Thời cổ xưa

Vào thời cổ xưa, các bộ lạc Celts và các bộ lạc khác đã sinh sống trên miền đất mà ngày nay là nước Pháp. Các người La Mã (the Romans) đã gọi miền đất này là Gallia tức là xứ Gaul. Quân lính La Mã bắt đầu xâm chiếm xứ Gaul vào khoảng năm 200 trước Công Nguyên (CN). Tới năm 121 trước CN, người La Mã đã kiểm soát được xứ Gaul, thung lũng sông Rhone và biển Địa Trung Hải (the Mediterranean Sea).

Từ năm 58 tới năm 51 trước CN, danh tướng Julius Caesar đã chinh phục được toàn vùng rồi các người Gauls đã học theo các lối sinh sống của người La Mã, họ đã dùng tiếng La Tinh của các kẻ chinh phục và sau đó, xứ Gaul đã trở nên phồn thịnh dưới sự cai trị của người La Mã trong hàng trăm năm mặc dù đã có các cuộc xâm lấn của các kẻ man rợ vào các năm 200 và 300 sau CN.

2/ Chiến thắng của giống người Franks

Biên giới phía tây của Đế Quốc La Mã bắt đầu bị sụp đổ vào các năm 400 sau CN. Các bộ lạc Đức từ phía đông, gồm các giống dân Burgundians, Franks và Visigoths, đã vượt dòng sông Rhine và đi vào xứ Gaul. Các kẻ xâm lăng đã giết nhiều người Gauls và đẩy lùi họ về phía tây mà ngày nay là miền Brittany.

Năm 486 sau CN, Clovis là vua của các người Salian Franks đã đánh thắng toàn quyền La Mã cai trị xứ Gaul tại Soissons rồi sau đó, chiến thắng cả các bộ lạc Đức ở trong xứ Gaul. Vua Clovis đã mở mang bờ cõi, tạo nên triều đại Merovingian và theo đạo Thiên Chúa chính thống (orthodox Christianity).

3/ Chế độ thái ấp và chế độ phong kiến

Từ năm 600 tới năm 1000 và trong các năm thuộc thời kỳ ban đầu của thời Trung Cổ (the Middle Ages), trên toàn nước Pháp là các thái ấp (manors). Đây là các vùng đất rộng lớn do các chủ đất hay các lãnh chúa (lords) cai trị, họ dùng quân đội để bảo vệ các nông dân và những người này là các nông nô (serfs). Chế độ thái ấp (manorialism) là hệ thống dùng sức lao động canh nông.

Vào năm 700, một hệ thống chính trị và quân sự được gọi là chế độ phong kiến (feudalism) bắt đầu xuất hiện. Cả lãnh chúa và các cận thần (vassals) của ông ta đều là những người quý tộc (aristocrats), mảnh đất do một lãnh chúa giao cho các nông nô được gọi là thái điền (fief), các thái điền nhỏ phải cung phụng một cận thần nhưng cũng có các thái điền rộng lớn bằng tỉnh Normandy. Chế độ thái ấp và chế độ phong kiến đã phát triển mạnh cho tới năm 1100.

4/ Triều đại Carolingian


Vào khoảng giữa các năm 600, các vua Merovingian đã trở nên các nhà cai trị yếu hèn, chỉ ham vui cá nhân. Pepin of Herstal là một vị cố vấn chính của vương triều, đã dần dần nắm lấy quyền hành. Con của ông Pepin là Charles Martel đã mở rộng quyền lực gia đình. Charles đã đánh bại đạo quân Ả Rập vào năm 732, khi trận chiến bắt đầu gần Tours và kết thúc gần Poitiers. Sau đó Charles Martel lên làm vua của các người Franks.

Con trai của Charles Martel là Pepin the Short đã lật đổ vua Merovingian cuối cùng rồi trở thành vua của các người Franks vào năm 751. Pepin lập nên triều đại Carolingian và mở mang vương quốc Franks. Pepin cũng giúp công vào việc phát triển chính trị của giáo hoàng do cho Giáo Hoàng Stephen II một mảnh đất rộng ở phía bắc của Rome.

Con trai của Pepin là Charlemagne là một trong các nhà chinh phục quyền uy nhất của mọi thời đại. Sau khi trở nên vua của các người Franks, Charlemagne còn tiếp tục hơn 50 mặt trận, mở mang vương quốc rộng lớn hơn nước Pháp ngày nay. Vào năm 800, Giáo Hoàng Leo III đã tấn phong Charlemagne là Hoàng Đế của các người La Mã (Emperor of the Romans).

Vua Charlemagne qua đời vào năm 814. Ba người cháu của nhà vua này đã đánh lẫn nhau để chiếm lấy đế quốc rộng lớn, họ đã chia đất đai làm 3 vương quốc vào năm 843. Sau Hòa Ứơc Verdun, một người cháu của Vua Charlemagne là Charles the Bald, đã nhận lãnh phần đất ngày nay là nước Pháp. Vương quốc thứ hai gồm nước Đức còn vương quốc thứ ba nằm giữa hai phần đất kể trên, gồm mảnh đất trải dài từ Biển Bắc (the North Sea) tới miền trung tâm của nước Ý.  

5/ Triều Đại Capetian


Vào cuối các năm 900, các vua Carolingians đã mất gần hết quyền lực và quyền uy của các nhà quý tộc (the nobles) đã gia tăng. Các vị vua chỉ là lãnh chúa phong kiến được các lãnh chúa khác bầu lên khi cần lãnh đạo về chiến tranh.

Vào năm 987, các nhà quý tộc đã chấm dứt giòng họ vua Carolingian, họ đã bầu ông Hugh Capet làm vua, mở đầu triều đại Capetian. Nhiều sử gia đã chấp nhận nước Pháp bắt đầu khi Vua Hugh Capet lên ngôi.

Trong nhiều năm, các vua Capetians chỉ kiểm soát vùng đất giữa Paris và Orleans còn các nhà quý tộc khác cai trị các vùng đất khác độc lập với nhau. Trong các nhà quý tộc này, Bá Tước Normandy (duke of Normandy) là có quyền lực nhất bởi vì miền Normandy là phần đất phong kiến được quản trị giỏi nhất và đoàn kết nhất trong toàn thể châu Âu. Năm 1066, Bá Tước William của miền Normandy, được gọi là William Nhà Chinh Phục (William the Conqueror) đã xâm lăng nước Anh và trở nên nhà vua của nước Anh.

Các nhà vua thuộc triều đại Capetian dần dần làm tăng thêm phần đất lãnh thổ cá nhân,  trở nên có quyền lực mạnh mẽ hơn các nhà quý tộc, rồi trong khoảng 300 năm, các nhà vua này có các con nối dõi ngai vàng vì thế các nhà quý tộc không còn quyền lực chọn lựa các vị vua chúa. Ngoài ra, các nhà quý tộc Pháp còn trở nên yếu kém hơn bởi vì trong khoảng các năm từ 1100 tới 1300, nhiều nhà quý tộc đã tham gia vào các đạo quân Thập Tự Chinh (the Crusades) để chiếm lại Miền Đất Thánh (the Holy Land) từ các người Hồi Giáo (the Muslims).

Một trong các nhà vua Capetian quan trọng nhất là Vua Philip II, còn được gọi là Philip Augustus. Vua Philip II lên ngôi năm 1180, đã làm gia tăng gấp đôi lãnh thổ kiểm soát do nhà vua và đã xiết chặt sự kiểm soát các nhà quý tộc. Vua Philip II cũng thành lập một chính quyền rộng lớn, gồm nhiều nhân viên từ các giới trung lưu của các tỉnh thành. Nhà Vua cũng làm phát triển thành phố Paris trở nên Thủ Đô vĩnh viễn và bành trướng của nước Pháp.

Vua Philip IV là người đẹp trai, còn được gọi là Vua Philip Công Bằng (Philip the Fair) đã chống lại quyền lực của Giáo Hoàng. Nhà Vua đã đánh thuế vào các nhân viên nhà thờ, bắt giam một hồng y và tống giam cả Giáo Hoàng Boniface VIII. Các hành động của nhà vua đã được dân chúng Pháp chấp nhận trong Đại Hội Các Giai Cấp Lần Thứ Nhất (the first Estates-General), đây là tập hợp các người dân Pháp được nhà vua triệu tập vào năm 1302 và tổ chức này là ông tổ của Quốc Hội Pháp sau này (French Parliament).

Vào năm 1305, do ảnh hưởng của Vua Philip IV, một hồng y người Pháp được bầu lên làm Giáo Hoàng và đây là Giáo Hoàng Clement V. Năm 1309, Giáo Hoàng Clement V đã dời triều đình từ Rome về Avignon, và triều đình này đã ở tại nơi đây tới năm 1377.

Từ năm 1100, nền kinh tế được phục hồi tại châu Âu khiến cho tiền tệ (money) được người dân dùng trở lại. Trong các chế độ thái ấp và phong kiến, các thị trấn (towns) đã trở thành không quan trọng thì nay lại được phát triển dọc theo các con đường thương mại chính.
Vào thuở ban đầu, các thị trấn tự quản trị, các nhà buôn và các thợ thủ công định cư trong thị trấn và tổ chức nên các nghiệp đoàn (guilds). Các nghiệp đoàn này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc quản trị thị trấn rồi khi vương quyền phát triển thì các thị trấn trở thành các trung tâm tư pháp, hành chánh cũng như sản xuất và mậu dịch.

Vào thời đại đó, mặc dù nhiều người đã tới thị trấn để tìm kiếm công ăn việc làm nhưng đa số dân chúng vẫn còn sinh sống trong miền quê. Các phương pháp canh nông còn thô sơ và người dân vẫn cần tới các nông trại để có thực phẩm. Vào thời gian này, đời người vẫn còn ngắn ngủi và phần lớn trẻ em chết trước tuổi lên 5.

6/ Giai đoạn chiến tranh

Hình ảnh về cuộc "chiến tranh 100 năm" giữa Pháp và Anh

Vị vua cuối cùng của triều đại Capetian là Vua Philip IV, qua đời vào năm 1328 mà không có con trai nối dõi. Một người họ hàng của Vua Philip IV lên ngôi vua, là Vua Philip VI, mở đầu Triều Đại Valois (the Valois dynasty).

Vào năm 1337, Vua Philip VI công bố rằng nhà vua này sẽ chiếm các đất đai của Vua Edward III, Vua của nước Anh trong khi Vua Edward III này lại là cháu của vị vua cuối cùng của triều đại Capetian, lại là người chính thức đòi lại ngai vàng của nước Pháp. Các hành động này đã khởi đầu một loạt cuộc chiến tranh giữa nước Pháp và nước Anh, được gọi là “Cuộc Chiến Tranh 100 Năm” (the Hundred Year’s War, 1337-1453), trong đó người Anh đã thắng phần lớn các trận chiến, nhưng sau chiến thắng tại Orleans dưới tài chỉ huy của Joan of Arc, người Pháp đã đẩy người Anh ra khỏi phần lớn nước Pháp.

Trong thời gian của Cuộc Chiến Tranh 100 Năm, nhà vua Pháp đã mất đi rất nhiều quyền lực vì các nhà quý tộc, nhưng khi Vua Louis XI lên làm vua, nhà vua này đã đặt nền móng cho loại quyền hành tuyệt đối (absolute rule), đã chiếm lại quyền hành từ tay các nhà quý tộc. Đối thủ chính của Vua Louis XI là Bá Tước Charles Dũng Cảm (Charles the Bold), Bá Tước của Miền Burgundy, nhưng vị bá tước này đã chết trận vào năm 1477 trong khi cố gắng chiếm thành phố Nancy, rồi Vua Louis XI sau đó đã chiếm đoạt phần lớn đất đai của Bá Tước Charles.

Vua Francis I đã xâm chiếm miền bắc của nước Ý và chiếm được thành phố Milan vào năm 1515 rồi về sau, trong các trận chiến tại xứ Ý, Vua Francis bị thua Vua Charles V của Đế Quốc Thần Thánh La Mã (the Holy Roman Empire). Các trận chiến của người Pháp chống lại Đế Quốc Thần Thánh La Mã còn tiếp tục tới triều đại của Vua Henry II. Tới lúc này, nước Anh và Đế Quốc Thần Thánh là đồng minh với nhau. Vào năm 1558, Vua Henry II lấy lý do đồng minh này để chiếm lại thành phố hải cảng Calais, miền đất sở hữu cuối cùng của người Anh trên lãnh thổ Pháp.

7/ Các cuộc chiến tranh tôn giáo

Vào các năm đầu 1500, một phong trào canh tân tôn giáo đã phát triển thành Đạo Tin Lành (the Protestantism) tại châu Âu, nhiều người Pháp đã theo các lời rao giảng của ông John Calvin, họ trở nên các tín đồ Tin Lành và được gọi là các người Huguenots. Sau năm 1540, chính quyền Pháp đã hành hạ các người Tin Lành nhưng rồi họ đã lớn mạnh cả về số lượng tín đồ lẫn sức mạnh chính trị. Các người Pháp theo Cơ Đốc La Mã và các người Tin Lành đã chém giết lẫn nhau trong các trận nội chiến kéo dài hơn 30 năm. Vào năm 1572, hàng ngàn người Tin Lành Huguenots đã bị giết hại trong Cuộc Tàn Sát nhân Ngày Thánh Barthlomew (the Massacre of Saint Bartholomew’s Day).

Cuộc Tàn Sát Ngày Thánh Barthlomew

Vua Henry III qua đời năm 1589 mà không có con trai nối dõi. Nối ngôi là Hoàng Tử Henry de Navarre, nhà vua này trở nên Vua Henry IV và khởi đầu Triều Đại Bourbon (the Bourbon dynasty), nhưng các lực lượng Cơ Đốc La Mã đã không cho Vua Henry IV vào thành phố Paris bởi vì nhà vua này là lãnh tụ của các người Huguenots. Năm 1593, Vua Henry IV theo đạo Cơ Đốc La Mã để duy trì hòa bình. Năm sau, nhà vua này mới vào Thủ Đô Paris. Tới năm 1598, Vua Henry IV ký Nghị Định Nantes (the Edict of Nantes) cho các người Huguenots một số tự do thờ phượng giới hạn.

8/ Thời đại Chuyên Chế

Trong các năm từ 1600 tới 1700, quyền lực của các nhà vua và các bộ trưởng (ministers) đã gia tăng đáng kể. Nước Pháp trở nên một quốc gia hùng mạnh phần lớn nhờ công sức của các vị bộ trưởng. Vị Bộ Trưởng quan trọng nhất là Maximilien de Bethune, hay Bá Tước de Sully (Duke de Sully), người đã phục vụ dưới triều đại của Vua Henry IV. Bá Tước Sully đã làm tiến triển nền canh nông, làm gia tăng các công trình công cộng như các đường xá lớn và dài và các kênh đào, đã làm giảm thứ thuế thân (la taille) là loại thuế chính đánh vào mọi người dân thường.

Louis 14
Lên ngôi kế tiếp Vua Louis IV là Vua Louis 13. Trong triều đại của nhà vua này, người cai trị chính là vị Thủ Tướng Hồng Y Richelieu (Cardinal Richelieu), tên thật là Armand Jean du Plessis. Hồng Y Richelieu đã làm gia tăng quyền lực hoàng gia hơn tất cả các vị tiền nhiệm.

Con trai của Vua Louis 13 là Vua Louis 14. Sau khi Thủ Tướng Hồng Y Jules Mazarin qua đời vào năm 1661, Vua Louis 14 tuyên bố rằng nhà vua cũng là Thủ Tướng. Vua Louis 14 là người đã đưa nước Pháp theo chế độ Quân Chủ Tuyệt Đối và nhà vua đã từng nói: “Ta là Đất Nước” (I am the State = L’Etat, c’est Moi).

Vào năm 1658, Vua Louis 14 hủy bỏ Nghị Định Nantes và bắt đầu hành hạ các người Tin Lành Huguenots một cách tàn nhẫn. Vào khoảng 200 ngàn người Huguenots đã phải bỏ chạy khỏi nước Pháp, trong khi họ là những thợ thủ công và những nhà kỹ nghệ tài giỏi, vì thế nền kinh tế của nước Pháp bị yếu kém hẳn đi. Sau đó, nhờ Bộ Trưởng Tài Chính là ông Jean Baptiste Colbert, nền kinh tế này đã phát triển mạnh trở lại nhưng công việc xây dựng Điện Versailles và một loạt các cuộc chiến tranh khác đã làm cho nền tài chính của nước Pháp bị kiệt quệ. 

9/ Bão tố và cuộc Cách Mạng Pháp

Từ đầu năm 1700, chính quyền quan liêu (a government bureaucracy) của nước Pháp đã  phát triển mạnh để duy trì một đạo quân hoàng gia lớn và để thu gom các loại thuế. Bởi vì triều đình cần tiền nên các luật sư và các quan tòa đã mua các chức vụ cao cấp từ nhà vua với các giá tiền thật cao. Nhà vua cũng cho các người giữ các chức vụ cao được tự gọi là quý tộc và họ không phải đóng thuế. Lúc đầu hệ thống nặng nề này đã cho phép kinh tế và dân số phát triển nhưng vì sự phát triển dân số vượt hơn khả năng sản xuất canh nông, sự thiếu thực phẩm và nạn đói trở thành thường xuyên.

Do nhu cầu về quân sự và vì không thể đánh thuế lên đất đai của các nhà quý tộc và các nhà thờ, chính quyền phải đi vay mượn với lãi xuất cao. Vào năm 1786, chính quyền đề nghị một loại thuế mới để tránh khỏi bị vỡ nợ. Nhiều luật sư, nhà buôn, nhân viên và thợ thủ công, kể cả một số nhà quý tộc đã phản đối loại thuế mới. Cuộc Cách Mạng Pháp bắt đầu từ cuộc khủng hoảng này.

Để tìm kiếm sự ủng hộ cho các loại thuế mới, Vua Louis 16 đã triệu tập một Đại Hội Các Giai Cấp (a meeting of the Estates-General). Đại Hội này gồm các đại biểu của ba giới: giới tu sĩ (the clergy), giới quý tộc (the nobility) và giới bình dân (the commoners). Đại Hội được khai mạc vào ngày 5 tháng 5 năm 1789 tại Điện Versailles, gần thành phố Paris.

Vào tháng 6 năm 1789, các đại biểu của giai cấp thứ ba, giới bình dân, đã tự công bố họ là “Quốc Hội” (a National Assembly) với đầy đủ quyền lực để viết ra một hiến pháp mới cho nước Pháp. Giới thứ ba này có số đại biểu bằng với số đại biểu của hai giới kia hợp lại.

Đầu tiên, Vua Louis 16 chưa muốn hành động ngay, đã ra lệnh cho quân đội giải tán Quốc Hội kể trên, nhưng dân chúng Pháp đã tổ chức được một lực lượng chống cự lại trong thành phố Paris. Vào ngày 14 tháng 7 năm 1789, một đám đông rất lớn dân chúng Paris đã chiếm được Pháo Đài Bastille, Vua Louis 16 phải nhượng bộ. Tháng 9 năm 1791, Quốc Hội đã thảo ra được một bản hiến pháp mới, theo đó nước Pháp trở nên một quốc gia quân chủ lập hiến (a constitutional, or limited, monarchy) với một Viện Dân Biểu (one-house legislature).

Vào tháng 4 năm 1792, nước Pháp gây chiến với hai nước Áo (Austria) và nước Phổ (Prussia) bởi vì các nước này muốn phục hồi chế độ quân chủ rồi vào mùa hè năm 1792, khi quân đội 2 nước kể trên tiến vào thành phố Paris, các nhà cách mạng Pháp đã bắt giam Vua Louis 16 cùng gia đình và lật đổ thể chế quân chủ lập hiến kể trên. Hội Nghị Quốc Ước (National Convention) được được bầu lên do cuộc bầu cử dành cho hầu như tất cả các nam công dân trưởng thành, Hội Nghị này bắt đầu họp vào ngày 21/9/1792 và đã tuyên bố nước Pháp từ nay là một nước Cộng Hòa (a republic).

Tại nước Pháp mới mẻ này, các cuộc nội chiến và chiến tranh chống ngoại xâm đã khiến cho chính quyền cộng hòa mới dùng các biện pháp cực đoan và tàn bạo. Các nhà lãnh đạo cấp tiến (radicals) như Maximilien Robespierre đã lên nắm chính quyền. Họ tuyên bố rằng khủng bố (terror) là biện pháp cần thiết để duy trì nền tự do (liberty) vì thế hàng ngàn người, kể cả các người danh tiếng lẫn các kẻ vô tội, đã bị kết án là “kẻ thù của nền cộng hòa” (enemies of the republic). Sau đó, chính các nhà lãnh đạo cấp tiến cũng tranh giành quyền lực với nhau và Robespierre đã bị các kẻ thù của ông ta đưa lên máy chém. Tới lúc này chấm dứt một giai đoạn gọi là “thời kỳ khủng bố” (the Reign of Terror) (1793-94).

Vào năm 1795, một hiến pháp mới được chấp nhận và một chính quyền được lập nên gọi là Hội Đồng Chấp Chính (the Directory) với Paul de Barras là một trong năm nhân vật điều khiển Hội Đồng này từ năm 1795 tới năm 1799.

Napoléon Bonaparte
Trong thời kỳ Cách Mạng Pháp, một sĩ quan trẻ tuổi tên là Napoléon Bonaparte đã lên dần theo cấp bậc trong quân đội. Napoléon được phong Thiếu Tướng vào năm 1793 rồi dần dần nắm lấy quyền lực tối cao. Tới năm 1799, Napoléon lật đổ chính quyền cách mạng để kiểm soát toàn thể nước Pháp.

Napoléon là một nhà quản trị đất nước tuyệt vời, ông đã tạo nên được một chính quyền trung ương vững mạnh và hữu hiệu, đã cứu xét và tổ chức lại hệ thống Luật Pháp. Napoléon còn là một thiên tài quân sự với các tham vọng vô bờ. Vào năm 1812, quân đội của Napoléon đã chinh phục được phần lớn miền tây và miền trung của châu Âu. Sự thất trận của Napoléon trên đất nước Nga đã khiến cho quân đội Pháp bị thiệt hại rất nặng nề. Sau đó, Hoàng Đế Napoléon còn phải đương đầu với liên minh quân sự mới gồm các nước Anh, Nga, Áo, Phổ và Thụy Điển. Ngày 18/6/1815, Napoléon bị thua trận tại Waterloo rồi bị đi đầy trên hòn đảo Saint Helena tại phía nam Đại Tây Dương.

10/ Các cuộc Cách Mạng năm 1830 và năm 1848.

Triều Đại Bourbon trở lại chính quyền sau khi Napoléon thất bại. Vào năm 1824, Vua Charles X lên ngôi, đã cố gắng thiết lập lại tất cả các quyền lực của các nhà vua cũ, nhưng rồi nhà vua này bị lật đổ do cuộc Cách Mạng tháng 7 năm 1830 (the July Revolution of 1830). Các nhà cách mạng đã đặt lên ngai vàng Louis Philippe. Vua Louis Philippe thuộc về chi Orleans của giòng họ Bourbon. 

Vào thời kỳ cai trị của Vua Louis Philippe, nước Pháp được hòa bình và thịnh vượng nhưng các tầng lớp dân nghèo bất mãn bởi vì chỉ các người giầu có mới được đi bầu và nắm giữ các chức vụ trong chính quyền. Sau cuộc Cách Mạng Tháng 2 Năm 1848 (the February Revolution of 1848), một nước Cộng Hòa thứ hai (the Second Republic) được thành lập, từ nay mọi công dân Pháp đều được quyền đi bầu.

Năm 1848, các cử tri đã bầu ông Louis Napoléon Bonaparte, một người cháu của Hoàng Đế Napoléon, lên làm Tổng Thống (President) trong nhiệm kỳ 4 năm nhưng ông Louis Napoléon đã chiếm thêm quyền hành một cách bất hợp pháp vào năm 1851 rồi tự tuyên bố làm Tổng Thống trong 10 năm. Qua năm 1852, Louis Napoléon thiết lập nên Đế Quốc Thứ Hai (the Second Empire) và tự phong cho mình là Hoàng Đế Napoléon Đệ Tam (Emperor Napoléon III).

11/ Cuộc Chiến Tranh Pháp-Phổ

Vào thập niên 1860, nước Phổ (Prussia) càng trở nên hùng mạnh, sự kiện này đã khiến cho các người Pháp lo ngại. Nước Pháp lo sợ rằng một nước Đức thống nhất dưới quyền lãnh đạo của nước Phổ sẽ làm thiên lệch cán cân quyền lực tại châu Âu. Sau một loạt các tranh chấp, nước Pháp tuyên chiến với nước Phổ vào năm 1870. Năm sau, nước Pháp bị thua trận, một hiệp ước hòa bình đã bắt buộc nước Pháp phải nhường lại hầu như tất cả miền Alsace và một phần miền đất Lorraine cho Đế Quốc Đức Mới (the new German Empire).

12/ Nền Cộng Hòa Thứ Ba

Quốc huy của nền Cộng Hoà Thứ Ba
Sau khi nước Phổ chiến thắng vào năm 1870, người dân Pháp đã nổi lên chống lại Vua Napoléon III. Họ thiết lập nên một nền cộng hòa lâm thời (a provisional republic), được gọi là Nền Cộng Hòa Thứ Ba (the Third Republic) rồi qua năm 1871, người dân bầu lên Quốc Hội. Vào năm 1875, Quốc Hội bỏ phiếu tiếp tục nền cộng hòa và đã viết ra một Hiến Pháp mới.

Từ thời gian này, nước Pháp đã trở nên hùng mạnh và thịnh vượng, kéo dài cho tới khi Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ vào năm 1914. Các nhà thám hiểm và quân lính Pháp đã chiếm được một đế quốc thuộc địa rộng lớn gồm nhiều nước tại châu Phi và châu Á, chỉ thua các thuộc địa của nước Anh. Nước Pháp đã tăng cường quân lực và ký hiệp ước đồng minh với nước Nga vào năm 1894, ký thông ước (Entente Cordiale) với nước Anh vào năm 1904. Nền kỹ nghệ của nước Pháp cũng phát triển vững mạnh sau năm 1895.

Vào ngày 15 tháng 10 năm 1894, Alfred Dreyfus là một sĩ quan Pháp gốc Do Thái, bị bắt vì bị tình nghi làm gián điệp cho nước Đức. Vào tháng 12 năm đó, một tòa án quân sự đã kết án Dreyfus là có tội. Sau đó các chứng cớ vô tội đã được trình bày và nhiều người đã đứng về phe Dreyfus, gồm có các nhà xã hội, các người cộng hòa trung phái và người dân không có quá khứ chính trị. Họ cho rằng Quân Đội Pháp đã hành động cố ý và họ e sợ rằng nền Cộng Hòa đã bị nguy hiểm. Họ coi Dreyfus là một biểu tượng của các tự do dân sự (civil liberties) và của các đức tính cộng hòa (republican virtues), họ đòi hỏi phải xét xử lại vụ án. Vào năm 1906, Tòa Tối Cao Pháp đã coi lại vụ án này và công bố Dreyfus vô tội.

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., Britannica Encyclopedia



No comments

Powered by Blogger.