Header Ads

Lịch Sử Hoa Kỳ - Phần 2: Từ Bành Trướng Lãnh Thổ Đến Nội Chiến



Phạm Văn Tuấn

14/ Bành trướng lãnh thổ.

Ông Thomas Jefferson được bầu làm Tổng Thống Hoa Kỳ trong 2 lần bầu cử năm 1800 và 1804. Triết lý chính trị của ông Jefferson chủ trương rằng Hoa Kỳ sẽ là một quốc gia của các nhà nông cỡ nhỏ (small farmers) và xã hội lý tưởng là người dân sinh sống đơn giản nhưng có sản xuất hữu ích. Tổng Thống Jefferson tìm cách giảm bớt các chi phí của chính quyền cũng như các món nợ của quốc gia.

Vào năm 1801, Tổng Thống Jefferson được tin nước Pháp đã nhận từ nước Tây Ban Nha một vùng đất rộng lớn giữa giòng sông Mississippi và Rặng Núi Rocky, vùng đất này gọi tên là Louisiana. Tây Ban Nha là một nước yếu nên không gây ra mối đe dọa nào cho Hoa Kỳ nhưng khi vùng đất thuộc về Hoàng Đế Napoléon cai quản, thì vùng đất này sẽ là một mối lo cho Hoa Kỳ trong tương lai.

Năm 1803, Tổng Thống Jefferson đã giàn xếp để mua vùng đất Louisiana với giá 15 triệu. Bản Hiến Pháp đã không cho phép chính quyền mua đất đai nên ông Jefferson đã nói rằng ông đã làm “dãn Bản Hiến Pháp cho tới khi bị nứt” (he had to admit that he had “stretched the Constitution until it cracked”). Công việc mua vùng đất Louisiana đã làm cho Hoa Kỳ tăng thêm diện tích được 827,987 dặm vuông (2,144,476 cây số vuông). 

Qua năm 1804, Tổng Thống Jefferson đã cử Meriwether Lewis và William Clark đi khảo sát miền tây và hai nhà nhà thám hiểm này đã tới tận bờ biển Thái Bình Dương. Báo cáo của 2 ông này đã cung cấp các tin tức rất giá trị về các người dân đỏ cùng với các tài nguyên thiên nhiên của miền Viễn Tây.

15/ Cuộc Chiến Tranh năm 1812.

Vào năm 1803, hai nước Anh và Pháp giao chiến với nhau rồi cả hai nước đều tìm bắt các tầu buôn Mỹ. Người Anh còn bắt các thủ thủy Mỹ và bắt buộc họ phục vụ cho nước Anh.

Khi ông James Madison lên làm Tổng Thống Hoa Kỳ kế tiếp ông Jefferson vào năm 1809, nước Pháp hứa sẽ không can thiệp vào các tầu biển Mỹ nhưng nước Anh lại không, trong khi đó dân chúng Hoa Kỳ tin tưởng rằng người Anh đang khuyến khích người Da Đỏ tấn công các người đi tiên phong di chuyển về phía tây. Vì các lý do này, các người Mỹ đã đòi hỏi phải gây chiến với nước Anh. Các dân biểu chủ trương chiến tranh được gọi là các “diều hâu hiếu chiến” (War Hawks), gồm các ông Henry Clay của Kentucky và John C. Calhoun của South Carolina, trong khi đó các người chống chiến tranh gồm các người miền Tân Anh Cát Lợi (New Englanders). Vào ngày 18 tháng 6 năm 1812, theo lời yêu cầu của Tổng Thống Madison, Quốc Hội Hoa Kỳ đã tuyên chiến với nước Anh và cuộc chiến tranh bắt đầu.

Khi cuộc chiến khởi đầu, cả hai phe không đạt thắng lợi nhưng vào ngày 24/8/1814, quân đội Anh đã chiếm được Thủ Đô Washington D.C., đã đốt cháy Điện Capitol và các tòa nhà của chính phủ Hoa Kỳ. Hành động này của người Anh đã khiến cho một số lớn người Mỹ tình nguyện ngăn cản cuộc tấn công. Sau đó, Hòa Ước Ghent (the Treaty of Ghent) ký ngày 24/12/1814 và được chính thức phê chuẩn vào ngày 17/2/1815, đã chấm dứt cuộc Chiến Tranh năm 1812. Không bên nào thắng cuộc chiến.

Sau cuộc chiến tranh, tinh thần quốc gia đã lên rất cao tại Hoa Kỳ. Quốc gia này bành trướng về phía tây, vài tiểu bang mới được sát nhập vào Liên Bang và nền kinh tế phồn thịnh. Các sử gia đã gọi giai đoạn từ năm 1815 tới đầu thập niên 1820 là “Thời Đại Cảm Giác Tốt Đẹp” (the Era of Good Feeling) bởi vì trong xứ sở có hòa bình, đoàn kết và lạc quan trước tương lai. Vào lúc này, chính quyền Hoa Kỳ gia tăng các dự án trong nước, quan trọng nhất là đường lộ. Bắt đầu vào năm 1811, đường lộ trải dài từ Cumberland, Maryland, tới Vandalia, Illinois, đây là con đường rất quan trọng cho việc chuyên chở hàng hóa và cho phong trào các người khẩn hoang di chuyển về phía tây.

Trong các năm giữa 1815 và 1820, Hoa Kỳ chiếm được thêm hai mảnh đất. Năm 1818, một hiệp ước với nước Anh cung cấp cho Hoa Kỳ miền đất Red River Basin, ở phía bắc của Lãnh Thổ Louisiana (the Louisiana Territory) rồi tới năm 1819, nước Tây Ban Nha nhượng lại miền Florida cho Hoa Kỳ.

16/ Bành trướng về phía tây.

Vào đầu thập niên 1800, hàng ngàn các người khẩn hoang vượt qua rặng núi Appalachian để di chuyển về phía tây, tới các tiểu bang và miền đất mới. Những người khẩn hoang này định cư ngay cả sau lằn biên giới phía tây. Họ dồn về Texas, California và các miền đất phía tây thuộc về Mexico, họ cũng tới định cư tại hạt Oregon, một vùng đất rộng lớn nằm giữa California và Alaska mà cả hai nước Anh và Hoa Kỳ đều cho là thuộc về mình. Tới giữa thập niên 1800, Hoa Kỳ đã kiểm soát được các vùng đất đai của Mexico và phần đất phía nam của hạt Oregon khiến cho xứ sở Hoa Kỳ trải dài từ bờ biển miền đông tới bờ biển miền tây.

Các người khẩn hoang là loại người can đảm, chịu cực nhọc, họ đi về phía tây để tìm kiếm một đời sống tốt đẹp hơn. Họ bị hấp dẫn bởi vùng đất mở rộng của miền Tây, bởi đất đai tốt làm nông trại, lại giàu tài nguyên về khoáng sản và rừng cây. Do làm việc chăm chỉ, người khẩn hoang miền Tây đã định cư nơi miền hoang dã giống như người miền Đông trước kia.

Công việc xây dựng tại miền Tây đã sinh ra các thay đổi về chính trị. Miền Tây có thêm dân số, họ được nhận vào Liên Bang nhưng các người miền Đông giàu có vẫn kiểm soát chính quyền và các chính sách kinh tế. Các người miền Tây, gồm cả các nông dân, công nhân thành thị và thợ thủ công, chẳng bao lâu đã đoàn kết lại để làm thăng tiến quyền lợi. Họ đã tìm thấy ở ông Andrew Jackson là một nhà lãnh đạo cứng cỏi và họ đã giúp vào công tác bầu ông Jackson làm Tổng Thống vào năm 1828. Sau đó ông Andrew Jackson đã có các biện pháp làm giảm quyền lực của các nhà giàu miền Đông, giúp đỡ người dân thường. Ngoài ra, chính quyền Hoa Kỳ vào thời đó đã có các cải tổ xã hội như quyền lợi của phụ nữ, cải tiến giáo dục và hủy bỏ chế độ nô lệ.

Trong thời gian “bành trướng” (the Expansion Era), Hoa Kỳ và châu  u đã duy trì được các liên hệ hòa bình, nhưng vào năm 1823, Tổng Thống James Monroe đã phổ biến chủ thuyết Monroe (the Monroe Doctrine), đây là lời xác định cảnh cáo rằng các nước châu  u không nên can thiệp vào các quốc gia tự do của miền Tây Bán Cầu

17/ Người Mỹ di chuyển về phía tây.

Vào năm 1820, các người Mỹ tiên phong đã thiết lập các nơi định cư vùng biên giới xa tới tận giòng sông Mississippi. Qua thập niên 1830, phong trào đi về phía tây đã đẩy biên giới qua khỏi giòng sông kể trên, tới Iowa, Missouri, Arkansas và miền đông của Texas. Miền đất ở quá xa hơn, được gọi là “Đồng Bằng rộng lớn” (the Great Plain), là nơi có đất đai khô cằn, không có cây cối và có vẻ là nơi nông trại xấu. Nhưng các nhà thám hiểm, các nhà buôn và các người tiên phong đã đi xa hơn về phía tây, nói rằng có vùng đất nông trại tốt và rừng cây ở bên kia rặng núi Rocky. Qua thập niên 1840, nhiều nhà tiên phong đã thực hiện được các hành trình dài bên kia “Đồng Bằng rộng lớn”, tới tận miền Viễn Tây (the Far West).

Trong số các người khẩn hoang, có người đi về hướng tây để tìm sự tự do tôn giáo, nổi tiếng nhất trong loại người này là các người Mormons, định cư tại Utah vào năm 1847. Ngoài ra các thị trần và thành phố mới cũng mọc lên tại miền tây và tại các trung tâm thị tứ này đã có các nhà thờ, ngân hàng, văn phòng luật sư, trường học, bệnh viện, cửa hàng, khách sạn…

Vào giữa thập niên 1840, hàng ngàn người Mỹ đã sinh sống tại hạt Oregon và các miền đất mà nước Mexico cho là thuộc về họ. Các người Mỹ tại miền này tin rằng Hoa Kỳ nên kiểm soát toàn thể Bắc Mỹ và vì niềm tin này, họ đã đòi hỏi phải kiểm soát tất cả đất đai Oregon và phần lãnh thổ của Mexico. Việc giành miền Oregon của nước Anh đã được dàn xếp dễ dàng bởi vì nước Anh cho rằng không đáng lưu  giữ miền Oregon, vì thế vào năm 1849, chính quyền Anh đã giao lại cho Hoa Kỳ phần đất Oregon phía nam của vĩ tuyến 49, ngoại trừ hòn đảo Vancouver.

Việc tranh giành miền lãnh thổ Mexican thì phức tạp hơn. Vào năm 1835, các người định cư Mỹ tại Texas đã dàn dựng một cuộc nổi loạn chống lại chính quyền Mexico. Qua năm 1936, các người định cư kể trên công bố rằng Texas là một nước cộng hòa độc lập rồi 9 năm sau, Hoa Kỳ sát nhập Texas và coi là một tiểu bang.

Vào năm 1846, Tổng Thống James K. Polk phái Tướng Zachary Taylor đi chiếm miền đất gần Rio Grande mà cả hai nước Hoa Kỳ và Mexico đều coi là của mình. Chiến tranh đã xẩy ra giữa binh lính của Tướng Taylor và quân đội Mexico. Ngày 13/5/1846, theo lời yêu cầu của Tổng Thống Polk, Quốc Hội Hoa Kỳ tuyên chiến với Mexico và Hoa Kỳ dễ dàng đánh bại nước Mexico yếu đuối. Hiệp Ước Guadalupe Hidalgo ký ngày 2/2/1848 đã chấm dứt cuộc chiến tranh và đã cho Hoa Kỳ miền đất rộng lớn từ phía tây Texas tới bờ biển Thái Bình Dương và phía bắc tới Oregon.

Qua năm 1853, nhờ Vụ Mua Gadsden (the Gadsden Purchase), Hoa Kỳ đã mua của Mexico dẻo đất phía nam của Arizona và New Mexico, Hoa Kỳ như vậy có đầy đủ mọi tiểu bang ngoại trừ tiểu bang Alaska mua của nước Nga vào năm 1867 và sát nhập tiểu bang Hawaii vào năm 1898. Việc bành trướng lãnh thổ miền Tây đã làm gia tăng niềm tự hào quốc gia và là yếu tố chính cho việc phát triển kinh tế nhưng cũng làm dạn nứt giữa miền Bắc và miền Nam mà sau này đưa tới cuộc Nội Chiến.

Trong khi các người tiền phong di chuyển về phía tây, họ đã xâm chiếm đất đai của các người da đỏ mà loại thổ dân này đã cư ngụ trong hàng ngàn năm. Chiến tranh thường xẩy ra giữa các người khẩn hoang và các người da đỏ và chính quyền Hoa Kỳ thường gửi quân lính tới đánh nhau với các người da đỏ và các trận chiến này được gọi là “Chiến Tranh Da Đỏ” (the Indian Wars).

18/ Bành trướng và nền kinh tế.

Sự bành trướng đất đai tại Hoa Kỳ vào miền trung tâm phì nhiêu của lục địa Bắc Mỹ đã khiến cho Hoa Kỳ trở nên một quốc gia đứng đầu về nông nghiệp. Nhiều người khẩn hoang thấy rằng họ có thể sản xuất nhiều hơn lượng cần dùng. Sau đó họ tập trung vào những sản phẩm có giá trị cao. Vào thời đại đó, các nhà máy tại châu  u và tại miền đông của Hoa Kỳ đang cần tới bông gòn vì thế các nông gia tại miền nam cũng như tại miền Texas xa xăm đã trồng bông gòn để cung cấp cho các nhà máy kể trên. Nhiều người định cư tại Kentucky và Tennessee đã trồng thuốc lá. Các người miền trung tây (midwesterners) sản xuất nhiều bắp (corn) và lúa mạch và họ cũng nuôi gia súc. Nông gia tại miền viễn tây trồng lúa mạch, trái cây và các sản phẩm khác có giá trị.

Các kỹ thuật mới và các máy móc mới cũng làm tăng sản lượng của các nông dân Mỹ. Vào năm 1793, Eli Whitney đã phát minh ra máy cán bông gòn (cotton gin), thứ máy này cho phép người trồng bông gòn tách lìa sợi bông với hột bông, nhanh gấp 50 lần người thợ làm bằng tay, nhờ vậy máy cán bông gòn đã được phổ biến rộng rãi vào các năm 1800. Năm 1834, Cyrus McCormick xin bằng sáng chế ra máy gặt (reaper) nhờ máy này mà nông dân thu hoạch các hạt lúa nhanh chóng hơn rất nhiều.

Các khoáng sản cũng được tìm thấy tại miền Tây. Vào năm 1848, vàng đã được tìm thấy tại Sutter’s Mill, California. Trước kia, các sản phẩm do các thợ thủ công làm trong nhà hay trong xưởng nhỏ của gia đình, nhưng vào đầu các năm 1800, các kỹ nghệ gia đã lắp đặt các nhà máy với máy móc tối tân để sản xuất ra hàng hóa nhanh chóng hơn. Phần lớn các nhà máy kỹ nghệ được đặt tại miền đông của Hoa Kỳ.

Nền kinh tế của Hoa Kỳ phát triển cũng là nhờ các phương tiện giao thông được mở rộng và tu bổ, chẳng hạn như hệ thống đường lộ quốc gia (the National Road) tại miền đông và hệ thống “Oregon and Santa Fe trails” của miền Tây, nhờ vậy sự du lịch và chuyên chở hàng hóa bằng đường bộ trở nên dễ dàng hơn trước.

Vào năm 1807, nhà phát minh Robert Fulton đã thành công về con tầu thủy Clermont. Tầu thủy sớm trở thành một phương tiện chuyển vận hàng hóa trên sông và trên biển. Vào đầu các năm 1800, nhiều con sông đào đã được thực hiện để nối các đường sông ngòi, quan trọng nhất là con kênh đào Erie (the Erie Canal) hoàn thành vào năm 1825, mở ra thủy lộ nối giòng sông Hudson trong tiểu bang New York với Ngũ Hồ (the Great Lakes) của miền Trung Tây (the Midwest). Tầu thuyền đã dùng các thủy lộ để chuyên chở các hàng hóa kỹ nghệ từ miền đông sang miền tây và chở nông phẩm và nguyên liệu từ miền tây về miền đông.

Trên đất liền, các xe lửa dùng hơi nước cũng là một phương tiện chuyên chở quan trọng.  Vào các năm 1820, các đường xe lửa tại Hoa Kỳ còn ở trong vòng thí nghiệm nhưng qua năm 1850, đã có 9,000 dậm (miles) (14,500 km) đường xe lửa hoạt động.

Vào năm 1837, Samuel F.B. Morse thành công về điện báo (telegraph) và phát minh này đã giúp cho ngành thương mại có được một phương tiện thông tin nhanh nhất vào thời kỳ đó. Ngoài ra hệ thống bưu điện cũng được phát triển để phụ giúp vào công việc thông tin.

Sự phát triển về ngành ấn loát cũng giúp ích cho đại chúng và các nghệ sĩ. Nhờ phưong pháp ấn loát mới gọi là phép in “li-tô” (lithography), các nghệ sĩ có thể in tác phẩm ra nhiều bản với giá rẻ hơn. Sau năm 1820 các miền hoang vu đã được khai phá, nhiều người dần dần ca ngợi phong cảnh và đời sống thiên nhiên tại các miền đất biên giới hay tại các miền đồng cỏ bao la. 

Dân chúng Hoa Kỳ được đọc các tác phẩm văn chương của James Fenimore Cooper, trong đó tác giả đã mô tả các người da đỏ và các người khẩn hoang với các hành động cao thượng và tấm lòng trong sáng. Ralph Waldo Emerson và các nhà triết học Mỹ đã khen ngợi thiên nhiên là cội nguồn của vẻ đẹp và chân lý dành cho mọi người, kể cả người giàu lẫn kẻ nghèo.
Tại thành thị, người dân dồn tới các rạp hát và các nơi giải trí, các đoàn trình diễn văn nghệ cũng đi tới nhiều nơi để phục vụ khán giả của nhiều thị trấn và thành phố.

19/ Nền Chính Trị thời Tổng Thống Andrew Jackson.

Tổng thống Andrew Jackson

Trong cuộc bầu cử năm 1824, có 4 ứng viên ra tranh cử kể cả hai ông John Quincy Adams và Andrew Jackson. Ông Jackson được nhiều phiếu cử trị đoàn nhất (electoral votes) nhưng không được đa số phiếu vì vậy Hạ Viện phải bầu chọn Tổng Thống mới, Hạ Viện đã chọn ông Adams. Do cay đắng, ông Jackson và các người theo ông đã tách ra khỏi Đảng Dân Chủ - Cộng Hòa (the Democratic-Republic Party) mà lập nên một đảng phái mới gọi là Đảng Dân Chủ (the Democratic Party).

Ông Adams và các vị Tổng Thống thời trước đều từ các gia đình giàu có của miền Đông trong khi ông Jackson sinh ra từ một gia đình nghèo trong một căn nhà gỗ. Ông Jackson nổi danh là một chiến sĩ chống người da đỏ và là một vị anh hùng trong trân chiến tranh 1812.

Năm 1828, ông Jackson lại ra tranh cử Tổng Thống. Ông kêu gọi các nông dân và các người khẩn hoang miền Tây, các công nhân thành thị và các thợ thủ công hãy hủng hộ ông. Ông hứa hẹn chấm dứt sự độc quyền của người giàu có và bảo vệ quyền lợi của “các người tầm thường” (the common man). Chính sách của ông Jackson là quyền lực chính trị bình đẳng cho mọi người (his policy of equal political power for all) đã trở thành “nền Dân Chủ Jackson” (the Jacksonian Democracy). Do quá trình và các chính sách, ông Jackson được sự ủng hộ của dân chúng miền Tây và dân chúng của các thành phố đang phát triển. Ông Andrew Jackson đã đắc cử vào năm 1828 và 1832.

Khi ông Andrew Jackson trở nên Tổng Thống, nhiều người nhà giàu miền đông đã nắm giữ trong suốt đời nhiều chức vụ của chính quyền liên bang. Ông Jackson bèn giải nhiệm những người này, thay bằng các người ủng hộ ông. Vài sử gia cho rằng hành động này là khởi đầu một hệ thống hư hỏng (the spoils system) trong chính quyền liên bang.

Tại Hoa Kỳ, các nhiệm vụ chính của ngân hàng là điều hành nguồn cung cấp tiền tệ của quốc gia. Ông Jackson lại tin rằng ngân hàng hoạt động độc quyền để ưu đãi các nhà giàu, vì thế ông muốn lập ra một ngân hàng trung ương thứ hai nhưng không thành.

Vào năm 1828, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua một đạo luật đánh thuế cao vào các hàng hóa nhập cảng vào Hoa Kỳ. Các tiểu bang miền Nam tin rằng đạo luật này ưu đãi các hàng hóa kỹ nghệ của miền Tân Anh Cát Lợi (New England). Phát biểu cho tiểu bang South Carolina, ông Calhoun khi đó là Phó Tổng Thống, tuyên bố rằng mọi tiểu bang có thể vô hiệu hóa một đạo luật của Liên Bang nếu đạo luật đó không hợp hiến và tiểu bang South Carolina dọa rút ra khỏi Liên Bang nếu chính quyền Liên Bang còn thu thuế. Hành động này tạo nên sự khủng hoảng về Hiến Pháp. Năm 1833, Tổng Thống Jackson khuyên Quốc Hội thông qua đạo luật “Sức Mạnh” (the Force Bill) cho phép Tổng Thống dùng quân lực để thu thuế, nhưng Quốc Hội Hoa Kỳ vào thời đó đã lại hạ thấp mức thuế tới điểm làm vừa lòng tiểu bang South Carolina.

Ảnh hưởng của ông Andrew Jackson còn tiếp tục sau khi ông ta đã rời khỏi chức vụ. Khi đó ông Jackson đã chỉ định ông Martin Van Buren là ứng cử viên của đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử năm 1836. Bốn năm về trước, các người chống đối ông Jackson đã thành lập ra đảng Whig (the Whig Party) và đảng phái này đã ủng hộ ông William Henry Harrison để đối đầu với ông Van Buren. Ông Harrison cũng là một anh hùng trong chiến tranh như ông Jackson. Tới khi bầu cử, các cử tri vẫn còn trung thành với ông Jackson, đã bầu cho ông Van Buren.

Qua năm 1837, một cuộc suy thoái đã làm cho nền kinh tế của Hoa Kỳ bị thương tổn trong một thời gian ngắn nhưng rồi sự thịnh vượng đã trở lại. Tới cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1840, hai ông Van Buren và Harrison lại ra tranh chức với nhau. Đảng Whig đã đề cao ông Harrison là một anh hùng trong chiến tranh, là người đã từng sinh sống trong căn nhà gỗ và là biểu tượng của miền biên giới, nên cuối cùng ông William Henry Harrison đã thắng cử.

20/ Phong trào bãi bỏ chế độ nô lệ.

Vào đầu các năm 1800, các tiểu bang thuộc miền Bắc Hoa Kỳ đã ra các đạo luật tiêu hủy chế độ nô lệ (slavery) nhưng hệ thống đồn điền của miền Nam và nền kinh tế của các tiểu bang miền Nam đã lệ thuộc vào các người nô lệ như là một nguồn cung cấp lao động rẻ tiền. Như vậy vấn đề ngăn cấm hay cho phép nô lệ đã trở nên một vấn đề chính trị và xã hội từ đầu các năm 1800. Qua các năm tháng, người ta đã tìm cách cân bằng số tiểu bang tự do (free states), nơi này chế độ nô lệ bị cấm đoán, và số tiểu bang nô lệ (slave states), nơi cho phép dùng người nô lệ, cả hai phe sẽ có cùng số đại biểu tại Thượng Viện Hoa Kỳ. Vào năm 1819, chính quyền liên bang đã thực hiện được sự cân bằng giữa hai loại tiểu bang tự do và nô lệ, mỗi loại có 11 tiểu bang.

Vào năm 1818, khi lãnh thổ Missouri (the Territory of Missouri) nạp đơn xin gia nhập Liên Bang Hoa Kỳ, điều nan giải đã xẩy ra bởi vì người ta không biết sẽ chấp nhận Missouri là tiểu bang tự do hay nô lệ? Qua năm 1820, các nhà lãnh đạo đã ban ra đạo luật Hòa Giải Missouri (the Missouri Compromise) nhờ đó sự cân bằng đã được duy trì: tiểu bang Massachusetts đồng ý cắt phần đất phía bắc thành tiểu bang Maine và Maine gia nhập Liên Bang như là tiểu bang tự do. Năm 1821, Missouri gia nhập với danh nghĩa tiểu bang nô lệ, như vậy có 12 tiểu bang tự do và 12 tiểu bang nô lệ.

Đạo luật Hòa Giải Missouri còn dự trù một điều quan trọng khác: đạo luật này xác định rằng chế độ nô lệ sẽ bị cấm đoán mãi mãi (forever prohibited) tại mọi phần đất có được từ Vụ Mua Lãnh Thổ Louisiana (the Louisiana Purchase), các phần đất đó ở phía bắc của biên giới phía nam của tiểu bang Missouri, ngoại trừ chính tiểu bang Missouri.

Đạo luật Hòa Giải Missouri đã làm hài lòng nhiều người Mỹ bởi vì đây là câu trả lời cho chế độ nô lệ, nhưng còn một số người khác nữa kêu gọi hủy bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ. Vào năm 1821, ông Benjamin Lundy, một người Quaker, vận động cho công việc tiêu hủy dần dần chế độ nô lệ trong tờ báo có tên là The Genius of Universal Emancipation, trong khi đó tại miền Tân Anh Cát Lợi, ông William Lloyd Garrison là một nhà báo, đã đòi hỏi chấm dứt ngay lập tức chế độ kể trên. Từ phong trào giải phóng nô lệ này, đã có vài nhân vật da đen danh tiếng như các ông Frederick Douglass và Sojourner Truth.

Tại các tiểu bang miền Nam, người ta luôn luôn lý luận rằng chế độ nô lệ thì cần thiết cho nền kinh tế đồn điền. Sau năm 1830, một số người miền Nam bắt đầu tin rằng các người da đen thì thấp hèn hơn người da trắng và rồi sự ủng hộ công việc duy trì nô lệ đã gia tăng tại miền Nam.
Sau khi trận chiến tranh Mễ Tây Cơ (the Mexican War) chấm dứt vào năm 1848, nhiều vùng đất mới sẽ trở thành các tiểu bang mới và như thế, sẽ là các tiểu bang tự do hay nô lệ? Cũng có vài người đề nghị chủ thuyết “chủ quyền phổ thông” (the doctrine of popular sovereignty) theo đó người dân trong tiểu bang sẽ quyết định cho phép hay cấm đoán nô lệ.

Vào năm 1849, tiểu bang California nạp đơn xin gia nhập Liên Bang. Sự gia nhập này lại gây nên cuộc tranh luận rằng California sẽ được nhận vô là tiểu bang tự do hay nô lệ? Các vị Dân Biểu Quốc Hội trở nên những phát ngôn viên về chế độ nô lệ. Ông Calhoun, Thượng Nghị Sĩ của tiểu bang South Carolina, diễn tả quan niệm của những người tin tưởng rằng họ có quyền sở hữu nô lệ. Thượng Nghị Sĩ Seward là một trong những người chống đối mạnh mẽ chế độ nô lệ, đã nói rằng luật đạo đức (moral law) còn cao cả hơn Hiến Pháp Hoa Kỳ, đòi hỏi rằng chính quyền Hoa Kỳ phải hủy bỏ chế độ nô lệ. Thượng Nghị Sĩ Clay của tiểu bang Kentucky có lập trường dung hòa, đã thúc dục miền Bắc và miền Nam nên hòa giải với nhau để tránh sự chấm dứt Liên Bang.

Thượng Nghị Sĩ Clay và một số vị khác đã thành công trong việc chấp thuận đạo luật Hòa Giải năm 1850 (the Compromise of 1850) theo đó California được chấp nhận vào Liên Bang như là một tiểu bang tự do và sự hủy bỏ công việc buôn bán nô lệ tại Washington D.C. Và để dàn hòa, Quốc Hội Hoa Kỳ đồng ý rằng các lãnh thổ New Mexico và Utah khi trở thành tiểu bang thì cư dân sẽ quyết định cho phép nô lệ hay không. Phương pháp này cũng được áp dụng cho 2 tiểu bang sau này là Kansas và Nebraska, bằng đạo luật Kansas-Nebraska Act.

Không vừa lòng với đạo luật Kansas-Nebraska, một số người chống nô lệ đã lập ra Đảng Cộng Hòa (the Republican Party) vào năm 1854. Quốc gia Hoa Kỳ vào thời gian này đang ở trong tình trạng xáo trộn. Sau năm 1854, các người miền Nam coi họ thuộc về một nhóm quốc gia khác biệt (a separate national group). Tại miền Bắc, các người chống nô lệ xúc tiến việc cổ động cho phong trào của họ. Cuốn tiểu thuyết “Căn nhà gỗ của Chú Tom” (Uncle Tom’s Cabin, 1851-1852) đã trở thành cuốn truyện được nhiều người đọc nhất tại Hoa Kỳ. Cuốn truyện này mô tả các nỗi ghê sợ đối với chế độ nô lệ, nên đã gây ra cơn sốt trong công việc bài trừ nô lệ. Tại tiểu bang Kansas vào năm 1856, đã xẩy ra các cuộc đánh nhau giữa các nhóm chống nô lệ và ủng hộ nô lệ.

21/ Nội Chiến và Tái Thiết.

Cuộc bầu cử tổng thống vào năm 1860 đã phản ánh sự chia rẽ quốc gia. Đảng Dân Chủ bị tách ra làm hai cánh miền Bắc và miền Nam. Các người bảo thủ của đảng Whig và của đảng Know-Nothings (đảng này đổ lỗi sự chia rẽ là do các người di dân và người Cơ Đốc La Mã) lập ra Đảng Liên Hiệp Hiến Pháp (the Constitution Union Party), chỉ có đảng Cộng Hòa (the Republican Party) là còn đoàn kết nội bộ. Đảng Cộng Hòa đã chỉ định ông Abraham Lincoln, một luật sư của tiểu bang Illinois, ra tranh cử chức vụ Tổng Thống và ông Lincoln đã đắc cử vào ngày 6 tháng 11 năm 1860.

Ông Abraham Lincoln nổi tiếng là một nhân vật chống đối chế độ nô lệ vì thế việc bầu ông Lincoln đã không được miền Nam chấp nhận, bởi vì họ e sợ rằng ông Lincoln sẽ giới hạn hay chấm dứt chế độ nô lệ. Báo động trước viễn cảnh này, tiểu bang South Carolina ly khai khỏi Liên Bang Hoa Kỳ vào ngày 20/12/1860, trước khi ông Lincoln nhậm chức Tổng Thống. Sau đó các tiểu bang Alabama, Florida, Georgia, Louisiana và Mississippi ly khai vào tháng 1 năm 1861. Sáu tiểu bang ly khai tạo nên các Tiểu Bang Liên Minh Hoa Kỳ vào tháng 2. Tới cuối năm 1861, tới lượt các tiểu bang Arkansas, North Carolina, Tennessee, Texas và Virginia đều ly khai và gia nhập Liên Minh miền Nam.

Tổng Thống Abraham Lincoln nhậm chức vào ngày 4 tháng 3 năm 1861. Ông nhấn mạnh vào việc duy trì Liên Bang và hy vọng vào sự hòa giải nhưng một tháng sau xẩy ra chiến tranh giữa hai miền Bắc và miền Nam.

Cuộc Nội Chiến bắt đầu vào ngày 12/4/1861 khi quân đội Miền Nam bắn vào Pháo Đài Sumter (Fort Sumter), một vị trí quân sự trong hải cảng Charleston. Sau đó, cả hai phe chuẩn bị chiến tranh. Phe miền Bắc ưu thế hơn về dân số, tài chánh và sức mạnh kỹ nghệ nhưng phe miền Nam cương quyết bảo vệ niềm tin của họ. Sau 4 năm chinh chiến, phe miền Bắc chịu thiệt hại 360,000 binh lính trong khi số tử vong của phe miền Nam là 260,000 quân nhân. Thiệt hại về tài sản rất lớn lao, đặc biệt tại miền Nam. Rất nhiều thành phố, thị trấn, đồn điền, nhà máy và đường xe lửa… của miền Nam bị tàn phá khi quân đội miền Bắc tràn tới đánh chiếm. 

Ngày 9 tháng 4 năm 1865, Tướng Robert E. Lee, Tư Lệnh đạo quân Liên Minh, đã đầu hàng trước Tư Lệnh của đạo quân Liên Bang là Tướng Ulysses S. Grant tại Tòa Án Appomattox của tiểu bang Virginia (at Appomattox Court House in Virginia). Đội quân cuối cùng của phe miền Nam đầu hàng vào ngày 26/5/1865. Cuộc Nội Chiến Nam Bắc Mỹ đã gây nên sự chia rẽ và cảm giác cay đắng giữa các người dân của cả hai miền Bắc và Nam.

Khi bắt đầu cuộc Nội Chiến, mục tiêu chính của Tổng Thống Lincoln là bảo tồn Liên Bang nhưng tới ngày 01 tháng 1 năm 1863, Tổng Thống Lincoln công bố bản Tuyên Ngôn Giải Phóng (the Emancipation Proclamation), hứa hẹn tự do cho mọi người nô lệ hiện còn đang sinh sống trong các vùng đất của Liên Minh Miền Nam.

Khi cuộc Nội Chiến chấm dứt, miền Nam ở trong thời kỳ “Tái Kiến Thiết” (Reconstruction). Vào lúc này, các người miền Bắc chia làm 2 phe: phe ôn hòa (the moderates) mong muốn tránh việc trừng trị nặng nề các kẻ nổi loạn, còn phe “cấp tiến” (the radicals) tin tưởng rằng phe miền Nam phải bị trừng trị. Tổng Thống Lincoln có lẽ đã tìm ra cách dung hòa nhưng ông đã bị tên John Wilkes ám sát vào ngày 14/4/1865 rồi qua đời vào ngày hôm sau, chưa được một tuần lễ sau khi Tướng Lee đầu hàng. Phó Tổng Thống Andrew Johnson trở thành Tổng Thống.

Tổng Thống Andrew Johnson cố gắng thực hiện các chính sách của cố Tổng Thống Lincoln nhưng ông đã không thắng được sự chống đối của phe cấp tiến. Phe này gồm nhiều vị dân biểu thế lực nhất trong đảng Cộng Hòa, họ đã kiểm soát đủ số phiếu bầu để thông qua chính sách Tái Kiến Thiết, vượt qua quyền phủ quyết của Tổng Thống và vận động Hạ Viện “đàn hặc” (impeach = truất phế) Tổng Thống Johnson vào năm 1868, nhưng Thượng Viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chống lại, với kết quả sai biệt một phiếu.

Chương trình Tái Kiến Thiết do Quốc Hội thảo ra, đã bao gồm nhiều đạo luật bảo vệ người dân da đen. Tu Chính Án thứ 13 của Bản Hiến Pháp (the 13th Amendment to the Constitution - 1865) đặt ra ngoài vòng pháp luật chế độ nô lệ trong khắp nước Hoa Kỳ. Tu Chính Án thứ 14 (the 14th Amendment – 1868) xác nhận quyền công dân của các người da đen và Tu Chính Án thứ 15 (the 15th Amendment – 1870) coi là bất hợp pháp khi từ chối quyền bỏ phiếu căn cứ vào chủng tộc (race). 

Từ năm 1866 tới năm 1870, tất cả các tiểu bang Liên Minh đều được chấp nhận trở lại Liên Bang Hoa Kỳ và công việc tái thiết chấm dứt vào năm 1877, khi các đạo quân liên bang rút khỏi miền Nan.

22/ Kỹ nghệ hóa và các tiến bộ.

Trước cuộc Nội Chiến, nền kỹ nghệ của Hoa Kỳ còn nhỏ, lao động chân tay còn phổ biến đã giới hạn khả năng sản xuất của kỹ nghệ trong khi đó các thị trường còn nhỏ và thiếu vốn đầu tư để khuếch trương. 

Sau cuộc Nội Chiến, nền kỹ nghệ của Hoa Kỳ đã thay đổi một cách rất lớn lao. Các máy móc đã thay thế lao động chân tay, làm gia tăng khả năng sản xuất. Hệ thống đường xe lửa mới đã phân phối hàng hóa đi thật xa và rộng lớn. Các nhà phát minh đã tìm ra nhiều sản phẩm mới mà công chúng cần đến và kỹ nghệ đã làm ra sản phẩm với số lượng rất nhiều. Các nhà đầu tư và các chủ ngân hàng đã cung cấp số vốn khổng lồ để các nhà lãnh đạo thương mại bành trướng hoạt động. Nhiều kỹ nghệ mới mọc lên, như mỏ than, dầu hỏa, đường xe lửa và các sản phẩm mới còn có thép, máy móc kỹ nghệ, xe hơi và quần áo. Sự phát triển phần lớn được tập trung ở miền Bắc.
Sự phát triển kỹ nghệ đã ảnh hưởng tới đời sống của người dân Mỹ. Thành phố là trung tâm của các hoạt động thương mại nên người dân đổ dồn về các thành phố. Nhiều người đã kiếm được các tài sản khổng lồ trong khi các kẻ khác sinh sống trong cảnh nghèo khó, sự cách biệt này đã khiến cho sinh ra các phong trào giúp đỡ kẻ nghèo và kiểm soát tầm cỡ và quyền lực của các công ty lớn. 

Do xử dụng máy móc, các công nhân có thể sản xuất ra hàng hóa 10 lần nhanh hơn cách làm bằng tay, rồi các hãng sản xuất đã mướn hàng trăm và có khi hàng ngàn công nhân, mỗi công nhân lại được chỉ định làm một số công việc riêng biệt, sự tổ chức này được gọi là phân công lao động (the division of labor), cũng làm gia tăng tốc độ sản xuất. Nhờ tốc độ sản xuất tăng lên, nhiều mặt hàng được làm ra nên các nơi bán hàng đã hạ giá bán, việc làm này khiến cho số lượng hàng hóa tăng cao.

Các nhà phát minh sáng tạo ra các sản phẩm mới, các nhà thương mại bán ra các sản phẩm mới này. Các sản phẩm này gồm: máy đánh chữ (1867), dây kẽm gai (1874), điện thoại 91876), máy hát (1877), đèn điện (1879) và xe hơi chạy săng (1885). Trong số các sản phẩm kể trên, xe hơi tạo nên ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới nền kinh tế quốc gia. Số xe hơi mà người Mỹ làm chủ tăng từ 8,000 chiếc vào năm 1900 lên tới 3,500,000 chiếc vào năm 1916.

Miền đất Hoa Kỳ rất giàu về các tài nguyên thiên nhiên. Nguồn nước dồi dào đã làm chạy các nhà máy kỹ nghệ. Ngoài ra còn có rừng cho gỗ làm nhà và các sản phẩm khác, dưới lòng đất là mỏ than, mỏ sắt, mỏ đồng, mỏ bạc và dầu hỏa. Andrew Carnegie và vài nhà kỹ nghệ khác đã làm ra thép từ các khoáng sản này. Thép được dùng để làm máy móc, đường xe lửa, cầu cống, xe hơi và xây dựng nhà chọc trời. Dầu hỏa trở nên đặc biệt quan trọng khi xe hơi được phổ biến từ năm 1900.

Từ năm 1870 tới năm 1916, hơn 25 triệu người di dân đã nhập cảnh vào Hoa Kỳ khiến cho dân số từ 40 triệu tăng lên tới gần 100 triệu người. Sự phát triển dân số đã làm gia tăng số người tiêu thụ và mở rộng các thị trường đồng thời cung cấp thêm nhân công cho các kỹ nghệ mới. Các phương pháp bán hàng mới cũng làm phát triển nền kinh tế. Các cửa hàng bách hóa khổng lồ đã mở cửa tại các thành phố đang lên, gồm có Marshall Field tại Chicago, R.H. Macy tại New York và John Wanamaker tại Philadelphia… Cũng có các hãng buôn phục vụ các khách hàng ở xa các cửa hiệu như Montgomery Ward và Richard Sears…

Vào năm 1850, Hoa Kỳ chỉ có 9,000 dậm (14.500 km) đường xe lửa nhưng tới năm 1900, chiều dài đường xe lửa hoạt động là 200,000 dậm (320,000 km) và hệ thống xe lửa xuyên lục địa của Hoa Kỳ là thứ đầu tiên trên thế giới. Các đường sắt mới đã thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế với các chủ nhân rất giàu có như các ông Cornelius Vanderbilt và Jay Gould. 

Năm 1876, Alexander Graham Bell đã phát minh ra điện thoại, sự phát minh này cùng với điện tín (telegraph) khiến cho công việc thông tin được nhanh chóng và là phương tiện rất cần thiêt của các ngành thương mại lớn. Đồng thời, các ngân hàng mới cũng mọc ra tại khắp nơi. Vài nhà ngân hàng như ông J.P. Morgan đã ở các vị trí chủ yếu của nền kinh tế Hoa Kỳ bởi vì khả năng cung cấp các món tiền tư bản khổng lồ.

Vào năm 1870, chỉ có khoảng 25% người Mỹ sinh sống trong các vùng thành thị nhưng tới năm 1916, con số này là 50%. Tại các thành phố, một phần rất nhỏ các người giàu có sinh sống trong xa hoa, quá đầy đủ, bên dưới là hạng người trung lưu cũng đủ tiện nghi nhưng ở tận cùng trong xã hội là những người nghèo khó cùng cực. Nhóm các triệu phú có tài sản từ $100 triệu Mỹ kin trở lên gồm những nhân vật như các ông Andrew Carnegie, Marshall Field, J.P.Morgan, John D. Rockefeller và Cornelius Vanderbilt. Nhóm người nghèo khó gồm các công nhân hoạt động trong các nhà máy, cơ xưởng, hầm mỏ… làm việc tối thiểu 60 giờ một tuần lễ với lương trung bình một giờ là 20 xu (cents) và không có thêm phụ cấp.

Sự phát triển về kinh tế cũng khiến cho các nhà lãnh đạo chính trị và chính quyền dành ưu tiên cho ngành thương mại mà không làm giảm bớt khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Ngoài ra trong phạm vi chính quyền còn lan tràn nạn tham nhũng, cả ở cấp bậc tiểu bang lẫn địa phương, chẳng hạn như vào thời kỳ của Tổng Thống Ulysses S. Grant, các nhân viên của chính quyền này đã lợi dụng chức vụ vào việc thu lợi cá nhân.

Từ năm 1890 tới năm 1917, nhiều người Mỹ đã hô hào các công cuộc giảm bớt nạn nghèo khó, cải thiện đời sống của người nghèo và kiểm soát các kỹ nghệ và thương mại lớn. Các cố gắng cải tổ đầu tiên bao gồm việc tổ chức các công nhân và nông dân. Vào năm 1886, các công nhân có tay nghề lập ra Liên Đoàn Lao Động Mỹ (the American Federation of Labor = AFL) (bây giờ là the American Federation of Labor – Congress of Industrial Organizations = AFL – CIO). Đứng đầu bởi ông Samuel Gompers, liên đoàn này đã mặc cả với các chủ nhân để có các tiền lương cao hơn và các điều kiện làm việc tốt hơn cho các công nhân. Các nhà nông thì lập ra “the National Grange” vào năm 1867 và “Farmers’ Alliances” vào các thập niên 1870 và 1880.

Sau cuộc Nội Chiến, các phụ nữ Hoa Kỳ cũng tranh đấu đòi quyền bầu cử. Vào năm 1869, hai bà Susan B. Anthony và Elizabeth Cady Stanton đã thành lập Hội Quốc Gia Phụ Nữ Bầu Cử (the National Woman Suffrage Association). Lãnh địa Wyoming đã cho phụ nữ quyền bầu cử vào năm này. 

Sau năm 1900, 3 vị Tổng Thống đầu tiên đã ủng hộ các đạo luật cải tổ (reform laws), đó là các ông Theodore Roosevelt, William Howard Taft và Woodrow Wilson.

Phạm Văn Tuấn



No comments

Powered by Blogger.