Header Ads

Pearl S. Buck (1892-1973) Nữ Văn Hào Của Hai Thế Giới


Phạm Văn Tuấn    

Pearl S. Buck là nhà văn sinh trưởng trong hai thế giới, một thế giới là nước Hoa Kỳ của cha mẹ, hai giáo sĩ đi truyền đạo và thế giới kia là nước Trung Hoa bao la, còn bao phủ nhiều bí ẩn. Bà Buck đã từng viết rằng "… thật khó cho tôi khi nói rõ phần lớn tôi thuộc về thế giới nào…, tôi trung thành với châu Á cũng như với miền đất của tôi".

Sau khi định cư vĩnh viễn tại Hoa Kỳ, bà Pearl S. Buck đã không quên đời sống thứ hai gồm cả văn hóa, triết học và tôn giáo của nước Trung Hoa. Bà đã suy nghĩ, quan sát sự việc từ hai mặt nhờ quá khứ và kinh nghiệm, cố gắng nối các nhịp cầu hiểu biết và tình cảm giữa hai thế giới Đông và Tây bằng các tác phẩm văn chương và các hoạt động nhân đạo.

1/ Cuộc sống tại nước Trung Hoa.

Pearl Sydenstricker chào đời ngày 26 tháng 6 năm 1892 tại Hillsboro, thuộc tiểu bang West Virginia và khi mới được vài tháng tuổi, đã được cha mẹ là hai giáo sĩ, ông Absalom và bà Caroline Stulting Sydenstricker, mang qua Trung Hoa. Cô bé Pearl này đã học nói tiếng Hoa trước khi biết nói tiếng Anh, đã chơi đùa với trẻ em Trung Hoa, được bà giữ trẻ kể cho nghe các câu chuyện về đạo Lão và đạo Phật.

Vào cuối thế kỷ 19 này, Trung Hoa còn là một quốc gia có nền văn hóa và lịch sử hoàn toàn xa lạ với các người phương Tây. Cha và mẹ của cô bé Pearl Sydenstricker không chịu sinh sống trong khu vực dành riêng cho người phương Tây mà ưa thích hòa mình với người dân địa phương. Ông Absalom đã thực hiện các chuyến đi nguy hiểm tới các vùng xa xôi rồi kể lại cho cô con gái các câu chuyện, các kinh nghiệm khó quên.

Bà mẹ Caroline trái lại, nhắc nhở con về cuộc sống của vùng West Virginia, thuật lại cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ với sự liên hệ của nhiều người trong gia đình vào cuộc chiến tranh này. Chính nhờ bà mẹ mà cô Pearl đã đọc các cuốn truyện kể về Tom Sawyer, Huckleberry Finn và các tác phẩm của Shakespeare, Scott, Thackeray, George Eliott và đặc biệt nhất là Dickens.

Ngay từ thuở nhỏ, cô Pearl Sydenstricker đã tò mò, tìm hiểu dân địa phương, thích lắng nghe các câu chuyện và mong muốn viết lại những điều mắt thấy, tai nghe tại một miền đất mà nhiều người phương Tây chưa hề biết tới. Cô đã học lịch sử Trung Hoa với một ông thầy địa phương, hiểu rõ triết lý Khổng Giáo và đã từng làm việc tại trung tâm cải huấn các thiếu nữ bị chủ nhân hành hạ tàn nhẫn. Cô Pearl cũng theo học tại trường học của bà Jewell tại thành phố Thượng Hải và nhờ những công tác xã hội của bà này mà cô hiểu rõ những điều xấu xa và các bất công trong xã hội Trung Hoa, thông cảm với người dân địa phương khi họ bị bàn tay đế quốc bóc lột.

Trong nhiều năm, cô Pearl Sydenstricker thường sinh hoạt giống như các trẻ em khác nhưng tới năm 1900, gia đình cô phải chạy khỏi thành phố Thượng Hải vì Loạn Quyền Phỉ (the Boxer Rebellion) và chính vào thời gian này, cô Pearl mới thấy rõ rằng mình chỉ là một du khách, lạc lõng vào một thế giới xa lạ. Năm 17 tuổi (1909), Pearl Sydenstricker trở về Hoa Kỳ, theo học Đại Học Randolph Macon Woman's College, thuộc thị xã Lynchburg, trong tiểu bang Virginia. Tại nơi học đường này cô Pearl bắt đầu nhận ra rằng lối sống và các kinh nghiệm của cô tại nước Trung Hoa làm cô khác biệt với các thiếu nữ Hoa Kỳ và cô đã cố gắng bắc các nhịp cầu giữa hai thế giới. Cô bắt đầu viết truyện và tham gia vào ban kịch của lớp học.

Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1914, cô Pearl Sydenstricker xin làm phụ giáo Khoa Triết Học và Tâm Lý Học của trường đại học nhưng thời gian này không kéo dài được lâu vì bà mẹ bị đau ốm nặng. Cô Pearl trở lại Trung Hoa, học viết chữ Hoa, thay mẹ giữ vai trò cố vấn (counselor) giúp các phụ nữ Trung Hoa giải quyết nhiều vấn đề khó khăn.

Vào ngày 13-5-1917, cô Pearl Sydenstricker kết hôn với ông John Lossing Buck, một chuyên gia canh nông người Mỹ, nguồn gốc thuộc tiểu bang New York nhưng qua Trung Hoa giảng dạy phương pháp nông nghiệp theo kế hoạch của nhà thờ Presbyterian. Gia đình Bucks này sinh sống trong tỉnh An Huy (Anhwei) thuộc miền bắc nước Trung Hoa. Do công việc giúp đỡ các nông dân của ông Buck, bà Pearl Buck đã quen thuộc với lối sống đơn giản của các nông dân địa phương, hiểu rõ các khó khăn của họ khi phải tranh đấu với nạn đói, nạn hạn hán, nạn lụt lội, thông cảm với họ về cuộc sống và cõi chết. Các hiểu biết và tình yêu đối với người nông dân Trung Hoa sau này được bà Pearl Buck thể hiện qua tác phẩm "Đất Lành" (The Good Earth) và các công trình văn học cũng như các công tác nhân đạo khác.

Năm 1921, gia đình Bucks di chuyển về thành phố Nam Kinh thuộc phía nam của nước Trung Hoa. Ông John Buck nhận chức vụ Giáo Sư Nông Nghiệp tại Đại Học Nam Kinh còn bà Pearl Buck dạy Văn Chương Anh. Vào tháng 10 năm đó, bà mẹ Caroline Sydenstricker qua đời. Việc đau buồn này đã khiến cho bà Pearl Buck viết ra một cuốn tiểu sử ngắn, tưởng nhớ bà mẹ, được xuất bản sau này vào năm 1936 với tên tác phẩm là "Người Tha Hương" (The Exile).

Cuộc sống của người địa phương tại thành phố Nam Kinh này khác hẳn với lối sống đơn giản của miền bắc. Tại nơi đây, các lý tưởng Tây Phương, các tư tưởng Bôn-Xê-Vích đang được phổ biến, đe dọa các cấu trúc xã hội và chính trị cổ điển. Giới thanh niên Trung Hoa vào thời gian này đang sôi động trước các tư tưởng cấp tiến mới, họ mong đợi các cuộc canh tân, khiến cho cuộc sống thường ngày bị đe dọa vì các xung khắc và nổi loạn.

Trong các năm này, bà Pearl Buck đã viết ra từ tháng 1-1923 nhiều bài bình luận nói về các thay đổi tại nước Trung Hoa, một số bài được đăng trên các tạp chí "Nguyệt San Atlantic" (The Atlantic Monthly), "Diễn Đàn" (Forum) và "Tạp Chí Quốc Gia" (the Nation)… Các đề tài của các bài viết này gồm có: sự phổ biến việc hút thuốc lá, tương quan giữa hai giới tính tại nước Trung Hoa, giới trẻ phản kháng việc xếp đặt hôn nhân của cha mẹ… Cũng trong thời gian này, ngoài việc tìm đọc các sách văn chương cổ điển Trung Hoa, bà Pearl Buck còn tìm hiểu các tác phẩm của Zola, Proust, Thoreau, Hemingway và đặc biệt là Dreiser. Bà Buck đã xác nhận rằng trước tuổi 20, bà đam mê đọc truyện của Charles Dickens còn sau 20 tuổi là các tác phẩm của Theodore Dreiser, sau đó tới các tiểu thuyết của các tác giả Sinclair Lewis và Ellen Glasgow bởi vì các nhà văn này có khả năng đặc biệt khi phân tích các nhân vật trong truyện.

Năm 1925, ông bà Buck mang đứa con gái đầu lòng về Hoa Kỳ để trị bệnh nhưng các phương pháp y khoa đã không chữa khỏi đứa bé bị chậm hiểu (mentally retarded). Nhờ thời gian sống tại Hoa Kỳ này, cả hai ông bà Buck cùng theo Đại Học Cornell, bà Pearl theo chương trình Cao Học (Master of Arts degree) về Văn Chương Anh. Bà Pearl Buck đã nhận được Giải Thưởng Lịch Sử Laura Messenger (the Laura Messenger Prize) nhờ bài bình luận "Trung Hoa và Phương Tây" (China and the West), một bài viết bắc cầu giữa hai thế giới Đông và Tây. Năm 1926, ông bà Buck trở lại Nam Kinh để dạy học tại hai đại học địa phương.

2/ Văn Nghiệp của Nữ Văn Hào Pearl S. Buck.

Từ năm 1921, đảng Cộng Sản Trung Hoa được thành lập trong một buổi họp bí mật tại thành phố Thượng Hải. Đảng Cộng Sản này đã bành trướng trong các năm 1925-26, tổ chức nhiều cuộc đình công chống đế quốc tại nhiều tỉnh và được sự ủng hộ của các giới công nhân thành thị, công nhân đường sắt và thủy thủ. Sau khi Lãnh Tụ Tôn Dật Tiên qua đời vào năm 1925, Tướng Tưởng Giới Thạch đã khởi sự một chiến dịch tiêu diệt các người Cộng Sản và vào tháng 3-1927, quân đội Quốc Dân Đảng tiến vào thành phố Nam Kinh.

Ông bà Buck cùng người cha và cô con gái phải bỏ tất cả gia sản, chạy về thành phố Thượng Hải. Trong số các công trình văn học của bà Pearl Buck có một cuốn tiểu thuyết đã viết xong, bị quân đội Quốc Dân Đảng phá hủy khi hôi của nhưng rất may, còn lại trong số đồ vật rối loạn cuốn tiểu sử của bà mẹ và một cuốn tiểu thuyết viết dang dở mà sau này, bà Pearl Buck cho xuất bản vào năm 1930, đó là cuốn "Gió Đông: Gió Tây" (East Wind: West Wind).

Năm 1931, bà Pearl Buck cho ấn hành cuốn tiểu thuyết "Đất Lành" (The Good Earth) và năm sau, cuốn truyện này đã giật được Giải Thưởng Pulitzer, khiến cho tác giả nổi danh trên Thế Giới. Trong khoảng 4 năm từ 1931, nhiều tác phẩm khác của bà Pearl Buck cũng xuất hiện trên văn đàn trong đó có các cuốn tiểu thuyết "Các Người Con Trai" (Sons, 1932), "Người Vợ Cả" (The First Wife, 1933), "Mọi Người là Anh Em" (All Men are Brothers, 1933), "Người Mẹ" (The Mother, 1934) và "Một Gia Đình Chia Rẽ" (A House Divided, 1935). Bộ truyện ba cuốn gồm hai cuốn "Các Người Con Trai""Một Gia Đình Chia Rẽ" cộng với cuốn tiểu thuyết "Đất Lành" đã đoạt Huy Chương William Dean Howells của Hàn Lâm Viện Nghệ Thuật và Mỹ Tự Hoa Kỳ (the American Academy of Arts and Letters) vì là công trình sáng tác (fiction) hay nhất trong các năm 1930-35.

Cũng vào năm 1935, bà Pearl Buck ly dị với ông John Lossing Buck rồi vào ngày 11 tháng 6 năm đó, bà kết hôn với ông Richard J. Walsh, giám đốc công ty quảng cáo John Day. Kể từ lúc này, bà vẫn tiếp tục sáng tác dưới bút hiệu Pearl Buck.

Năm 1938, nhà văn nữ Pearl Buck đoạt Giải Thưởng Nobel về Văn Chương do tác phẩm "Đất Lành" và do hai cuốn tiểu sử, cuốn thứ nhất có tên là "Người Tha Hương" (The Exile), đây là hình ảnh của bà mẹ trong cuộc đời truyền giáo tại Trung Hoa, cuốn thứ hai là "Thiên Thần Tranh Đấu" (Fighting Angel) mô tả tiểu sử của người cha, bắt nguồn từ bản văn phác thảo "Tưởng Nhớ ông Absalom Sydenstricker, 1852-1931" (In Memoriam: Absalom Sydenstricker, 1852-1931). Sau này vào năm 1944, hai cuốn tiểu sử này được xuất bản chung với nhau thành tập truyện "Tinh Thần và Thể Xác" (The Spirit and the Flesh).

Sau khi đoạt Giải Thưởng Nobel về Văn Chương, Nữ Văn Hào Pearl Buck vẫn tiếp tục viết với các tác phẩm không-giả-tưởng (non-fiction works) gồm các cuốn "Nói với Người Dân" (Tell the People, 1945) đề cập tới nền giáo dục quần chúng (mass education), "Đứa con không bao giờ lớn nổi" (The Child Who Never Grew, 1950) liên quan tới người con gái bị chậm hiểu của tác giả, cuốn tự thuật "Nhiều Thế Giới của Tôi" (My Several Worlds, 1954).

Ngoài ra còn có các cuốn tiểu thuyết như "Các người con của Long Vương" (Dragon Seed, 1942), "Lời Hứa" (the Promise, 1943), "Cá hóa Long " (the Dragon Fish, 1944), "Nhà Riêng của Phụ Nữ" (Pavilion of Women, 1946), "Hoa Mẫu Đơn" (Peony, 1948), "Vương Phi " (Imperial Woman, 1956), "Lá Thư từ Bắc Kinh" (Letter from Peking, 1957), "Ba Người Con Gái của Bà Lương" (The Three Daughters of Madame Liang, 1969)…

Vào năm 1941, Nữ Văn Hào Pearl Buck lập ra một tổ chức không vụ lợi là "Hội Đông-Tây" (The East and West Association) với chủ đích mang lại sự hiểu biết giữa các dân tộc trên Thế Giới. Nhà văn nữ này cũng viết ba cuốn tiểu thuyết xuất bản dưới bút hiệu John Sedges, đó là các cuốn "Người Dân Thành Thị" (The Townsman), "Các Tiếng Nói Trong Nhà" (Voices in the House) và "Tình Yêu Lâu Dài" (The Long Love, 1958).

Các tác phẩm kịch của bà Pearl Buck gồm các cuốn "Bay vào Trung Hoa" (Flight into China, 1939), "Người Vợ Cả" (The First Wife, 1945), "Biến Cố Sa Mạc" (A Desert Incident, 1959)… Bà Pearl Buck cũng viết truyện phim, đó là cuốn "Quỷ Sa Tăng không bao giờ ngủ" (Satan Never Sleeps, 1962).

Do chứng kiến nhiều biến cố chính trị xẩy ra tại Trung Hoa như Nạn Quyền Phỉ hay cuộc nổi dậy năm 1927, do hiểu rõ các bất công xã hội, các kỳ thị chủng tộc tại nhiều nơi trên thế giới, Nữ Văn Hào Pearl Buck đã từng lên tiếng tranh đấu cho các người di dân tại thành phố New York, ủng hộ nền Độc Lập của nước Ấn Độ bởi vì bà là một sáng lập viên của Tổ Chức Tưởng Niệm Mahatma Gandhi (The Mahatma Gandhi Memorial Foundation). Bà Pearl Buck cũng tham gia vào công cuộc giúp đỡ các trẻ em bị chậm hiểu tại thành phố Vineland, tiểu bang New Jersey. Ngoài ra, bà cũng là thành viên của Hiệp Hội Tự Do Dân Sự Hoa Kỳ (The American Civil Liberties Union) và thường lên tiếng bênh vực nền tự do trí tuệ, chống lại sự kiểm duyệt.

Năm 1949, bà Pearl Buck cùng ông chồng Richard Walsh lập nên Cơ Quan "Căn Nhà Tình Nghĩa" (Welcome Home), một tổ chức nhận nuôi các con lai Á-Mỹ, đặc biệt là các con rơi của quân nhân Hoa Kỳ phục vụ tại ngoại quốc. Vào năm 1963, bà Pearl Buck đã lập nên "Tổ Chức Pearl S. Buck" (The Pearl S. Buck Foundation) rồi bốn năm sau, đã tặng cho tổ chức này hơn $7,000,000 mỹ kim.

Nữ Văn Hào Pearl S. Buck đã viết ra hơn 65 tác phẩm, hàng trăm truyện ngắn và các bài bình luận. Bà qua đời vào ngày 6 tháng 3 năm 1973 tại Danby, tiểu bang Vermont.

3/ Đất Lành - Tiểu Thuyết của Pearl Buck.

a/ Các sự kiện về cuốn truyện Đất Lành.


  • Thời gian và nơi viết: 1930-31 tại nước Trung Hoa
  • Năm xuất bản: 1931.
  • Nhà xuất bản: The John Day Company
  • Loại tác phẩm: tiểu thuyết, viết về đời sống của 1 gia đình nông dân Trung Hoa.
  • Ngôn ngữ: tiếng Anh
  • Thời gian của cuốn truyện: từ 1890 tới 1930.
  • Địa điểm của cuốn truyện: tỉnh An Huy, thành phố Nam Kinh.
  • Nhân vật chính: Vương Long (Wang Lung).
  • Mô tả: đời sống khó khăn của cảnh nghèo, nạn chết đói, các xung khắc về văn hóa và gia đình do công việc hiện đại hóa tại nước Trung Hoa.


b/ Các nhân vật chính trong truyện.

a- Vương Long: gốc từ gia đình nông dân nghèo, anh ta cố gắng duy trì tình yêu đối với mảnh đất cày cấy, đồng thời anh ta lại thèm muốn cảnh giàu có và lối sống suy tàn đạo đức của ông Hoàng (Hwang), nhà giàu. Vào cuối cuốn truyện, vì lòng hiếu thảo và tình yêu đất đai mà anh Vương Long còn duy trì được một phần nào các đức tính tốt và căn bản đạo đức.

b- Ái Lan (O-lan): là vợ của Vương Long. Ái Lan khi lên 10 tuổi đã bị gia đình bán cho ông Hoàng làm kẻ tôi tớ rồi về sau được Vương Long mua lại. Ái Lan là một phụ nữ mạnh khỏe, rất chăm chỉ, là một người vợ thủy chung, một người mẹ tận tụy của các đứa con nhưng thường bị người chồng khinh rẻ.

c- Con trai đầu lòng của Vương Long: là một con người phung phí và kiêu ngạo, bị ám ảnh vì vẻ bề ngoài, hư hỏng khi trưởng thành và không coi trọng các giá trị cũ của cha.

d- Con trai thứ hai của Vương Long: chăm chỉ, cần kiệm nhưng keo kiệt, có tinh thần trách nhiệm hơn người anh cả, cũng coi các giá trị cổ truyền của cha là lỗi thời.

e- Con trai thứ ba của Vương Long: sinh đôi với người con gái đầu, thường mơ mộng cảnh vinh hoa, đã đi lính trái với ý muốn của cha.

f- Người con gái đầu lòng của Vương Long: bị thiếu dinh dưỡng khi mới sinh ra đời do nạn đói, đứa trẻ này bị chậm hiểu, không biết nói. Vương Long rất lo lắng cho đứa con gái này và đã xếp đặt sự chăm sóc sau khi anh ta qua đời.

g- Người con gái thứ hai của Vương Long: sinh đôi cùng người con trai thứ ba. Ái Lan do bị Vương Long chê có hai bàn chân to nên đứa con gái thứ hai này đã được "bó chân" theo tập tục Trung Hoa.

h- Ông chủ Hoàng (Hwang): gia trưởng của một gia đình giàu có, đã phung phí tiền bạc do lấy nhiều vợ nhỏ.

i- Cô Sen (Lotus): là gái mại dâm đẹp, với chân bó và tính tình xấu, là vợ nhỏ của ông Hoàng

j- Hoa Đào (Pear Blossom): là kẻ nô tỳ do Vương Long mua về trong các năm nạn đói khi con này còn nhỏ tuổi. Hoa Đào là kẻ hầu hạ cho cô Sen.

c/ Cốt truyện.

Vương Long (Wang Lung) là một nông dân Trung Hoa trẻ và nghèo, sinh sống tại nông thôn vào thời gian gần đầu thế kỷ 20. Xã hội của anh ta đang tìm cách canh tân trong khi đầu óc của người dân vẫn còn đặt nặng thiên về các phong tục tập quán cổ điển. Khi Vương Long tới tuổi lập gia đình, cha của anh ta đã mua cho anh một cô gái làm công 20 tuổi tên là Ái Lan (O-lan) từ một gia đình địa phương giàu có, gia đình ông Hoàng (Hwang).

Lúc đầu, Vương Long rất bất mãn vì Ái Lan đã không có hai bàn chân "bó nhỏ lại", một điều chứng tỏ thuộc loại con gái "khuê các". Nhưng rồi hai người đã sinh sống vui vẻ với nhau, tận tâm cày cấy trên mảnh đất của gia đình.

Vương Long rất sung sướng khi người vợ sinh hạ được đứa con đầu lòng là "con trai", trong khi đó gia đình ông Hoàng lại theo cách sống suy đồi: người chồng là kẻ đua đòi vợ nhỏ còn người vợ lại nghiện thuốc phiện. Do bởi lối sống phí phạn này, gia đình ông Hoàng bị nghèo đi dần dần nên đã phải bán một miếng đất phì nhiêu cho Vương Long. Vào lúc này, Vương Long trồng lúa được mùa trong khi người vợ sinh thêm được một đứa con trai thứ hai.

Cảnh giàu có mới mẻ này đã khiến cho ông bà chú thím ruột chú ý. Do tập quán cổ xưa, Vương Long phải kính trọng các người cao tuổi trong đại gia đình và ông chú đã hỏi vay mượn tiền bạc của đứa cháu, dù cho Vương Long biết rằng ông chú này sẽ dùng tiền để uống rượu và đánh bạc. Trong lúc này, gia đình ông Hoàng tiếp tục suy tàn nên phải bán thêm một mảnh đất nữa cho Vương Long, đồng thời Ái Lan đã sinh thêm được một đứa con gái.

Thời bấy giờ, khi nạn đói lan tràn tới miền đất do Vương Long đang cày cấy, Ái Lan đã sinh thêm một đứa con gái thứ hai nhưng người mẹ này đã phải bóp chết đứa con mới sinh bởi vì không còn thực phẩm cho chính bà ta và cho cả gia đình. Vương Long bắt buộc phải đưa cả gia đình xuống phía nam vào mùa đông, tại nơi này, anh ta đã sống nhờ nghề kéo xe trong khi Ái Lan và các con đành phải đi ăn mày kiếm ăn.

Vương Long nghĩ rằng anh ta sẽ không thể kiếm đủ tiền để quay về mảnh đất quê nhà nên đã thảo luận với vợ là Ái Lan rằng họ sẽ bán đi đứa con gái còn sót lại, làm kẻ nô tỳ. Sau đó hai vợ chồng này đã tham gia đám người nghèo và tuyệt vọng để  ăn cướp một gia đình giàu có, nhờ vậy Vương Long đã kiếm được một túi đầy tiền vàng trong khi Ái Lan cũng ăn cắp được một số nữ trang. Với số tiền này, Vương Long đem gia đình trở về quê quán và mua được một con bò mới và một số hạt giống. Sau khi chia cho vợ 2 hạt ngọc trai, Vương Long đã dùng số nữ trang ăn cắp để mua mảnh đất 300 sào của ông Hoàng. Vào lúc này, Ái Lan đã sinh thêm được 2 đứa con sinh đôi, trong khi đó đứa con gái đầu lòng đã trở nên hoàn toàn chậm hiểu nhưng được cha mẹ rất yêu quý và chăm sóc cẩn thận.

Nhở mảnh đất mới mua, Vương Long đã thuê thêm các thợ cày rồi nhờ nhiều vụ gặt hái được mùa, Vương Long trở nên giàu có. Tới mùa nước lụt, Vương Long không có công việc làm nên quay sang chỉ trích vợ là có cặp bàn chân to, đồng thời lại đam mê cô Sen (Lotus) là một gái mại dâm có hai "bàn chân bó". Sau đó Vương Long đã mua lại cô Sen này để làm vợ nhỏ. Tới khi Ái Lan bị đau bệnh thật nặng, Vương Long mới cảm thấy hối hận về những lời nói tàn nhẫn khi trước và đã biết tới các giá trị mà người vợ tận tụy đã làm việc cho mình.

Trong khi đó, để chiều lòng ông chú, Vương Long đã để cho ông bà này dọn vào nhà của mình đồng thời cũng khiến cho họ nghiện ngập á phiện. Sau đó ít lâu, Vương Long đã mua tất cả nhà cửa của ông Hoàng và dọn vào nhà mới, để lại căn nhà cũ cho gia đình ông chú.

Sau khi Ái Lan qua đời, các người con trai của Vương Long đã phản kháng các dự tính mà Vương Long mong muốn chúng theo đuổi. Chúng không muốn trở thành các nông dân chân lấm tay bùn và không muốn tận tụy vào mảnh đất cày cấy. Ngoài ra, hai người con trai lớn và thứ hai thường hay cãi nhau về vấn đề tiền bạc còn hai người vợ của chúng cũng thù hận lẫn nhau.

Vào lúc tuổi già, Vương Long đã lấy một cô vợ nhỏ, một kẻ nô tỳ trẻ tuổi tên là Hoa Đào và cô vợ này đã hứa sẽ chăm sóc đứa con gái chậm hiểu của Vương Long khi ông ta qua đời.

Vào đoạn cuối của cuốn truyện, các người con của Vương Long muốn bán đi các mảnh đất cày cấy mà Vương Long đã tận tụy khai thác, chúng đã chia nhau số tiền bán đất để chấm dứt mối liên hệ với mảnh đất mà đã làm cho cha của chúng là Vương Long giàu có.

d/ Các nhận xét về cuốn truyện Đất Lành.

Qua tác phẩm Đất Lành, tác giả Pearl Buck muốn liên hệ mảnh đất cày cấy với các bản tính tốt, với nền đạo đức, trong khi sự xa lánh mảnh đất đã khiến cho con người bị suy đồi và hư hỏng.

Vương Long là một nông dân, đã trực tiếp cày cuốc mảnh đất của mình trong khi ông chủ Hoàng là người xa cách mảnh đất vì ông ta đã thuê mướn những nông dân làm thuê. Khi tài sản của Vương Long đã khá lên, thì anh nông dân này lại đi theo vết chân của ông chủ Hoàng trước kia: cũng mướn người làm công, đã khiến cho vợ chồng người chú hút thuốc phiện, cũng kiếm thêm vợ nhỏ... và cảnh giàu có mới đã làm hư hỏng các đứa con của Vương Long: chúng không còn tha thiết và tận tụy với mảnh đất cày cấy, không còn kính trọng cha mẹ và không còn duy trì các tập tục tôn giáo tức là thứ nền tảng của đời sống của ông cha chúng.

Ngoài ra tác giả Pearl Buck còn mô tả sự áp chế người phụ nữ tại nước Trung Hoa, là nơi mà người chồng đã coi người vợ như các kẻ nô lệ trong khi người đàn bà đã đóng góp cho người chồng rất nhiều mà không được người chồng biết đến các giá trị của các hy sinh đó.

Câu chuyện về anh nông dân Vương Long cho thấy rằng do ảnh hưởng của sự mới giàu sang mà các giá trị cổ truyền đã bị suy tàn và tác giả đã cố gắng chứng minh rằng công việc hiện đại hóa nước Trung Hoa tuy đã đưa mức sống của người dân lên cao hơn nhưng cũng đã gây ra các xung đột về văn hóa và đời sống.

4/ Tác Phẩm Đất Lành và Giải Thưởng Nobel.

Cuốn tiểu thuyết "Đất Lành" (The Good Earth) mô tả đười sống của một nông dân tên là Vương Long (Wang Lung) khởi đầu từ cảnh nghèo khó bước lên địa vị của một chủ đất giàu sang. Anh nông dân này được người vợ giúp đỡ và gia đình này đã tận tụy hy sinh vì bổn phận, vì sự sống còn và vì mảnh đất. Tác giả Pearl Buck đã mô tả cuộc hôn nhân, tình cha mẹ, các tình cảm phức tạp trong gia đình và sự yêu quý mảnh đất và cuộc sống.

Để hiểu rõ tác phẩm "Đất Lành", cần biết thêm sơ lược về lịch sử của nước Trung Hoa vào cuối thế kỷ 19. Trung Hoa là một trong các quốc gia rộng lớn nhất trên Thế Giới và vì vậy, dân tộc này không thuần nhất về ngôn ngữ. Mặc dù dùng một thứ chữ viết, người Trung Hoa có hàng trăm thổ ngữ (dialects) và người dân thuộc miền Nam Trung Hoa không thể hiểu được tiếng nói của người dân Miền Bắc.

Trong cuốn truyện "Đất Lành", nhân vật Vương Long đã ghi nhận rằng "An Huy (Anhwei) không phải là Giang Tô (Kiangsu). Tại An Huy nơi mà Vương Long chào đời, giọng nói thì chậm và trầm trong cuống họng nhưng tại thành phố Giang Tô, người dân nói bằng các âm tiết phát ra từ môi và đầu lưỡi".

Xã hội Trung Hoa cũng phức tạp như nền chính trị và khi Nhà Thanh bị lật đổ, các tỉnh thành của nước Trung Hoa nằm trong tay nhiều quân phiệt, nhiều nhóm đạo tặc… chẳng hạn như Tướng Ngô Bội Phu (Wu Pei-fu) đã kiểm soát 5 tỉnh Miền Bắc và Miền Trung với hàng trăm triệu dân dưới quyền. Tại Mãn Châu, Trương Tác Lâm (Chang Tso-ling) cai quản vùng đất rộng bằng diện tích của hai nước Pháp và Tây Ban Nha cộng lại.

Sau khi Lãnh Tụ Tôn Dật Tiên qua đời, Tướng Tưởng Giới Thạch đặt bản doanh tại Nam Kinh, đã phát động chiến dịch chống lại các sứ quân, đánh phá các người Cộng Sản do Mao Trạch Đông chỉ huy và chống cự quân đội Nhật Bản. Nước Trung Hoa bị tàn phá vì nội chiến, và các rối loạn trải dài từ Quảng Đông tới Bắc Kinh. Trong hoàn cảnh chính trị bất ổn này, các người nông dân như Vương Long là những kẻ làm mướn, bị bóc lột do các địa chủ có hàng ngàn mẫu đất, họ còn bị bọn cướp quấy phá, bị lường gạt bởi các con buôn lúa gạo do bởi họ không biết đọc, không biết viết, họ bị thiếu ăn, bị khinh bỉ vì ngu dốt và hèn kém.

Khi viết ra tác phẩm "Đất Lành", Nữ Văn Hào Pearl Buck không chỉ nói về người nông dân Trung Hoa mà còn ám chỉ các nông dân sinh sống tại bất cứ nơi nào trên trái đất bởi vì tài sản và sự an toàn của họ tùy thuộc vào mảnh đất mà họ cày cấy. Qua tác phẩm, độc giả nhận ra sự hiểu biết tường tận của tác giả về nước Trung Hoa và người Trung Hoa, tác giả biết cả tư tưởng và nội tâm của người nông dân, đây là giai cấp mà các người Cộng Sản đã khai thác và dùng làm hạt nhân trong công cuộc cách mạng.

Ngày nay, nhiều độc giả cho rằng Nữ Văn Hào Pearl Buck đoạt Giải Thưởng Nobel vì tác phẩm "Đất Lành". Điều này không hẳn đúng. Khi Ủy Ban Nobel cứu xét việc tặng giải, họ có 9 tác phẩm của bà Pearl Buck: "Đất Lành", "Gió Đông: Gió Tây", bộ ba cuốn "Căn Nhà Đất" (The House of Earth), "Người Mẹ" (The Mother), cuốn khảo cứu về bà mẹ "Người Tha Hương" (The Exile), cuốn chân dung của người cha "Thiên Thần Tranh Đấu" (Fighting Angel) và cuối cùng là cuốn "Trái Tim Kiêu Hãnh" (This Proud Heart, 1938).

Lời ghi nhận của Ủy Ban Nobel kèm theo Giải Thưởng đã viết rằng việc tặng giải "Do cách mô tả phong phú và mang tính anh hùng ca đời sống của nông dân Trung Hoa và các tác phẩm tiểu sử".

Selma Lagerloef, Nữ Văn Hào người Thụy Điển và cũng là phụ nữ đầu tiên đoạt Giải Thưởng Nobel về Văn Chương đồng thời là một nhân viên trong Ủy Ban Xét Giải, đã tiết lộ rằng bà ta bỏ phiếu cho Nữ Văn Hào Pearl Buck vì cuốn tiểu sử xuất sắc của người cha. Ông Anders Osterling, Thư Ký Vĩnh Viễn của Hàn Lâm Viện Thụy Điển và Chủ Tịch của Ủy Ban Nobel về Văn Chương, cũng xác nhận rằng các tiểu thuyết của bà Pearl Buck mô tả đời sống của nông dân Trung Hoa mang tính chính thức (authenticity), giàu chi tiết và đặc sắc về cách nhìn vào bên trong để mô tả một miền đất mà các độc giả Tây Phương biết tới rất ít. Trong một buổi đại tiệc khoản đãi nhà văn nữ Pearl Buck, Văn Hào Sinclair Lewis, người Mỹ đầu tiên đoạt Giải Thưởng Nobel về Văn Chương, đã khen ngợi tác giả vì công trình mang lại "một hình ảnh mới về các con người của Phương Đông". Các tác phẩm của Nữ Văn Hào Pearl S. Buck còn có các đặc điểm trong sáng trong thể văn, mang lại ý nghĩa và cảm xúc bên ngoài các từ vựng, cốt truyện dễ hiểu với cách nhìn mang tính toàn cầu, cách dàn dựng (setting) không bị giới hạn về thời gian (timelessness) với các nhân vật chính trong truyện luôn ám ảnh người đọc hơn là cốt truyện và nhờ đó đã hướng dẫn cốt truyện phát triển. Tác giả đã không phân tích các cách hành xử (behavior) của các nhân vật mà quan tâm tới các hành động và hiệu quả của cách mô tả nhân vật.

Một yếu tố khác khiến cho các tác phẩm của bà Pearl Buck đoạt Giải Thưởng Nobel là sự phổ biến rộng rãi trong các năm từ 1932 tới 1940, giống như các truyện của Văn Hào Mark Twain,  với 10 cuốn tiểu thuyết được dịch sang các ngôn ngữ quan trọng của Thế Giới.

Trước Nữ Văn Hào Pearl S. Buck, chỉ có hai nhà văn Hoa Kỳ đoạt Giải Thưởng Văn Chương Nobel, đó là các ông Sinclair Lewis (1885-1951) và Eugene O'Neill (1888-1953); còn về nhà văn nữ, có bà Selma Lagerloef (1858-1940), người Thụy Điển và bà Sigrid Undset (1882- 1949), người Na Uy.
      
Phạm Văn Tuấn


Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org, Britannica Encyclopedia, Sparknotes.com, Cliffsnotes.com.




Powered by Blogger.